Skip to main content

“Không bằng đại học thì chẳng xin được việc ra hồn.”

“Không ai thèm phỏng vấn một đứa không có bằng.”

“Hàng trăm ngàn sinh viên đại học bị thất nghiệp.”

Bạn bè nói. Báo chí nói. Bạn nghĩ gì về chuyện đi học đại học?

Đây là suy nghĩ của tôi.

Một tờ giấy chứng chỉ chưa bao giờ là thước đo đánh giá giá trị một người. Trách nhiệm và số phận một người không bao giờ bị một tờ giấy đắt đỏ – hàng chục triệu hiện kim và 4 năm tuổi đời – định đoạt.

Mọi giáo dục – kể cả giáo dục đại học – đều nền tảng là tự-giáo-dục. Giáo dục là những gì diễn ra trong đầu bạn chứ không phải trong lớp học. Suốt bao nhiêu năm, chương trình Đại Học Cá Nhân đã dẫn dắt tôi đến những nguồn học để đạt được kỹ năng hữu ích, theo lịch trình riêng, mà không cần bỏ công việc hiện tại hay đi cướp nhà băng.

Tôi có nghĩ bằng đại học là bắt buộc phải có trong đời không? Không. Tôi có tin nhiều nhà tuyển dụng sẽ đánh rớt ứng viên không bằng cấp không? Có. Nếu bạn nghiêm túc với việc tự giáo dục nhưng lo ngại cánh cửa cơ hội bị đóng lại bởi nhà tuyển dụng và nhà trường, đây là bài viết dành cho bạn.

Bài viết này dựa trên câu chuyện có thật. Đây là hành trình 3 năm của một thanh niên giữa tuổi 20 từng bỏ học đại học, quay trở lại nhà trường và được cấp học bổng nhà trường 3 lần, trong khi vẫn làm 2 công việc toàn thời gian để theo đuổi ước mơ giáo dục bậc cao hơn.

*Và bài viết cũng giải thích tại sao từ năm 2016 đến năm 2019, tôi viết nhỏ giọt như café phin.

“Trở Lại Nhà Trường”, Ở Tuổi Trưởng Thành

Thanh niên tuổi giữa 20 trông như thế này.

Tưởng tượng bạn đang mới tốt nghiệp trung học và chuẩn bị học đại học như bạn bè đồng lứa. Tưởng tượng bạn đã đi làm một thời gian và muốn lấy văn bằng hai. Một bằng cấp tốt hơn sẽ dẫn đến một công việc tốt hơn và cuối cùng là một cuộc sống tốt hơn. Vấn đề là, bạn định nghĩa “bằng cấp tốt” như thế nào?

Khi hành trang đã gói ghém vài năm kinh nghiệm đi làm, tôi không còn muốn lãng phí thanh xuân. Tôi muốn tối đa giá trị của chứng chỉ với mức đầu tư tối thiểu. Chẳng cần là sinh viên ngành kinh tế như tôi, thì ai cũng dễ hiểu khái niệm “lợi nhuận thu về từ đầu tư”. Càng trả nhiều (cả thời gian lẫn tiền bac), những lựa chọn bạn có càng ít và lợi nhuận thu về càng thấp. Bằng đại học là một trong những hạng mục đầu tư tốn kém nhất đời người – ngang ngửa với lập gia đình, mua xe, hay mua nhà.

Săn Lùng Tấm Bằng Cử Nhân Lý Tưởng

Nếu bạn gặp một gã bảo đang vừa học đại học vừa leo lên dãy Himalaya, thì hoặc gã đang nói dối, hoặc gã là sinh viên đại học trực tuyến. Nepal.

Đây là những tiêu chí mà ‘một tấm bằng cử nhân tốt’ của tôi phải thỏa mãn:

  1. Tín hiệu xã hội cao hết mức: tấm bằng giúp bạn nổi bật hẳn những phẩm chất nhà tuyển dụng tìm như năng lực, động lực và đáng tin.
  2. Chi phí thấp hết mức: chi phí thấp thì lợi nhuận cao. Ngoài học phí thì trường đại học còn tiềm ẩn nhiều loại phí như y tế
  3. Thời gian đầu tư thấp hết mức: thời gian thấp thì chi phí cơ hội thấp và bạn có thời gian và năng lượng làm việc khác.
  4. Ít rào cản nhất có thể: các thủ tục hành chính rườm rà hay thời gian di chuyển là rủi ro tiềm ẩn khiến bạn muốn bỏ cuộc hành trình học vấn.

Theo tiêu chí này thì những trường sau không phù hợp:

  • Đa số trường đại học truyền thống: Chương trình cử nhân ở các trường này mất gần 4 năm học toàn-thời-gian và phải-điểm-danh để hoàn thành.
  • Những trường ít tín hiệu xã hội: (trường ít danh tiếng) thì sẽ không dạy bạn được gì nhiều. Những trường có tiếng có thể tốn ngộn tiền, khiến bạn làm cật lực trả nợ trong khi “nhà đang bao việc”.
  • Những trường ở quá xa trung tâm: thời gian di chuyển giữa công sở và nhà trường là chi phí cơ hội lớn và rào cản tâm lý. Chạy tới lui trong môi trường kẹt xe và ô nhiễm sẽ tạo thêm căng thẳng không đáng có.

Suốt những năm 20 đầu đời, tôi nhìn trái nhìn phải đốt đuốc cả đêm cũng tìm không ra trường phù hợp. May thay, công nghệ giáo dục đã mở ra một lựa chọn khác thường để tốt nghiệp đại học. Bạn có thể có bằng cử nhân, không thủ tục hành chính rườm rà, không phải lái xe đến trường, được chứng nhận bởi bộ giáo dục, chỉ tốn $4,000 USD, theo một hành trình sẽ khiến nhà tuyển dụng hứng thú phỏng vấn bạn.

Đại học trực tuyến.

Đại Học Trực Tuyến: Ngon-Bổ-Rẻ

Đăm chiêu về kỳ quan thế giới Taj Mahal ư? Đang nghĩ bài luận môn Triết Học 101 đấy.

Năm 2016, tôi 26 tuổi vừa trở về Việt Nam từ “một năm khoảng cách” du lịch vòng quanh thế giới. Tôi khao khát học bậc Thạc Sỹ. Tôi đang quay cuồng với nghề quản lý dự án ở một công ty IT, thêm nghề quản lý kinh doanh ở một tổ chức phi chính phủ, thêm nghề tay trái tư vấn digital marketing cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi cảm nhận được trách nhiệm gia đình ngày càng nặng nề và thời gian ngày càng bó hẹp cánh cửa du học.

Rồi tôi đăng ký học University of the People, một trường đại học Mỹ trực tuyến, cấp chứng chỉ, miễn học phí, phi lợi nhuận đầu tiên trên thế giới.

Tua nhanh đến năm 2019. Tôi cầm được tấm bằng Cử Nhân Quản Trị Kinh Doanh trên tay từ trường đại học Mỹ. Tôi tốt nghiệp với điểm trung bình 3.4/4.0. Tôi nhận được 3 học bổng từ quỹ nhà trường và chỉ đóng $260 USD cho phí duyệt đơn và 2 môn nhập học.

Thời Khóa Biểu 696: Cân Bằng Giữa Cuộc Sống-Công Việc-Học Tập

Giữa các kỳ nghỉ giữa kỳ thì làm gì? Bạn có thể đi lặn biển 3N2D ở kỳ quan rặng san hô lớn nhất thế giới, Úc.

Giữa 2016 và 2019 là một giai đoạn của kỷ luật đến khổ hạnh (tôi vốn khoái hành xác mình). Cụ thể, lịch sinh hoạt thường nhật của tôi đập đều đặn theo một nhịp 696 (6 giờ sáng đến 9 giờ tối liên tục 6 ngày trong tuần) như sau:

  • 05:30: Mở mắt dậy uống protein whey và đi tập thể dục.
  • 06:30: Ăn sáng và viết luận 300~500 chữ.
  • 08:00: Mở hòm thư để làm việc phi chính phủ.
  • 09:00: Uống 20gr cafe (tự pha) để tập trung làm quản lý dự án.
  • 12:00: Ăn trưa và ngủ 20 phút. Mở mắt là uống sinh tố (tự xay) rồi làm việc phi chính phủ.
  • 13:00: Tiếp tục làm quản lý dự án IT.
  • 18:00: Tối đi tập thể dục (nếu sáng ngủ nướng) hoặc tập Vịnh Xuân, ăn nhanh, chơi piano, rồi quay lại học đại học.
  • 20:00: Đọc lý thuyết và làm bài trắc nghiệm. Làm việc freelancer (nếu có)

Trong học kỳ:

  • Thứ 2 – Thứ 6: Theo lịch trên.
  • Thứ 7 & Chủ Nhật: “Đưa thân đi trốn” khỏi Saigon mỗi tháng. Phải xuống Mũi Né một lần để làm việc tổ chức phi chính phủ. Phải bay đêm về Đà Nẵng một lần để “lớn rồi còn khóc nhè” với mẹ. Muốn lên Đà Lạt một lần để gặp người thương. Cần ở Saigon một lần để thuê người giúp việc dọn dẹp nhà cửa.

Giữa các học kỳ có 2 tuần xả hơi thì tranh thủ:

  • Làm thêm freelancer tư vấn digital marketing: để có thêm thu nhập
  • Đi du lịch: để thực sự F5 cuộc sống
  • Đọc sách và học sáng tạo: để cân bằng với sách lý thuyết khô khan của nhà trường

Bản “xô-nát” đời người đó được tôi nhấn nút “Lặp Lại” suốt 2~3 năm “cứ như một bản tình ca”.

Kết Thúc Hành Trình

Kết quả của nỗ lực 696.

Một bản không dễ nghe với nhiều người. Khi bị ép với 24 tiếng mỗi ngày để hoàn thành chừng đó trách nhiệm, bạn sẽ học được nhiều cách sáng tạo để quản lý thời gian triệt để. Tôi ủy quyền và giao việc tối đa cho trợ lý (những gì tốn dưới $500,000 VND thì trợ lý toàn quyền quyết định). Tôi nói không với nhậu nhẹt rượu chè. Tôi ít café tán gẫu cùng bạn bè (nhưng luôn rủ bạn bè cùng đi du lịch và tập thể dục). Tôi cắm mắt đọc bài vở trên những chuyến chờ tàu xe máy bay. Tôi cầm Kindle vào nhà vệ sinh công ty ngồi yên tĩnh 10 phút để hoàn thành một chương sách. Tôi học cách nghe nhanh, đọc nhanh, xem nhanh, và viết luận để tối ưu khả năng học tập.

Chương trình cử nhân tôi chọn lựa đã cho phép tôi được sự tự do để cân bằng với những đam mê khác trong cuộc sống. Trong lúc học, tôi vẫn có những chuyến du lịch ít nhất 10 ngày ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nepal… Tôi trau dồi “những môn ngoại khóa tự chọn” như Vịnh Xuân, nấu ăn, nhiếp ảnh và piano để bớt sách vở. Tôi tìm đến những thú giải trí thỏa mãn mình nhất như anime-manga và Netflix để thư giãn sau giờ học. Tôi dịch được 2 cuốn sách (Ngừng Trộm Ước Mơ, Học Piano) cho cộng đồng. Tôi thẳng thắn chia sẻ tình hình học tập và được sếp ở tổ chức phi chính phủ tạo điều kiện và động viên hết mình. Tôi chốt nhiều dự án freelance phát triển website khiến tài khoản ngân hàng thêm “xanh tươi”. Tôi nhảy việc 3 lần và đậu công việc trong mơ (3 tốt: sếp tốt, đồng nghiệp tốt, lương tốt) sau chục lần phỏng vấn hầu hết công ty IT trên thị trường.

Thở phào nhẹ nhõm, hành trình cử nhân đại học của tôi kết thúc vào tháng 06 năm 2019. Một hành trình căng thẳng lành mạnh và kích thích phát triển.

Hy vọng câu chuyện trên là một case study thú vị về đại học (truyền thống) không phải là con đường duy nhất. Bao giờ cũng có một con đường khác để tự học, tự phát triển và hoàn thiện bản thân.

4 Comments

  • David says:

    Hi anh Nhật, em có một thắc mắc nhỏ. Trong quá trình anh chưa tốt nghiệp university of People, làm thế nào anh đã học và có được công việc quản lý dự án IT và digital marketing ạ? Hai ngành này anh tự học thế nào ạ? Em cứ ngỡ là phải biết code mới quản lý IT được ạ 😀 Cảm ơn anh nhiều!

    • Digital marketing thì anh nắm nguyên lý của marketing, và cũng từng làm trong agency về Social Media, nên anh có kinh nghiệm làm việc.

      Quản lý dự án IT thì sẽ có dạng Technical Manager và Non-Tech Manager. Anh có chuyên môn của một người quản lý và phẩm chất của lãnh đạo, và mang đến sự minh bạch và niềm tin trong team. Với niềm tin và sự rõ ràng thì anh quản lý dự án nào cũng được, không chỉ riêng IT.

  • Vy says:

    Có nên học song song 2 trường ko ạ. ví dụ học trường ở Mỹ và trường Việt Nam thì sao ạ

    • Nghĩ đến kết quả đầu ra và mục tiêu nha: bằng nhiều để làm gì? Trong đa số trường hợp, em học được nhiều từ đi làm hơn. Với thời gian có hạn thì: học đại học + học thêm qua workshop/seminar/online course + đi làm. Sẽ tốt hơn: học đại học Việt Nam + học đại học USA.

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...