Skip to main content

Chưa có ai từng ghi chép lời khuyên của tôi, bởi vì đó không phải là câu trả lời mà họ muốn nghe. Cái họ muốn nghe là “Đây là cách có công ty quảng cáo, đây là cách viết kịch bản,”… nhưng tôi luôn luôn nói “Hãy trở nên giỏi đến mức họ không thể phớt lờ bạn.”

– Steve Martin, diễn viên hài

Trong những ngày mệt mỏi với công việc văn phòng, có một anh cổ-cồn-trắng nghĩ hay là mình về quê mình nuôi cá và trồng thêm rau? Nhưng sống cuộc đời “trồng cây gì nuôi con gì” như game Harvest Moon không phải thứ ảnh thích, ảnh thích ngồi ôm vi tính cả ngày trong vườn mà thôi.

Để theo đuổi đam mê, ảnh đã có một-năm-khoảng-cách thật đã. Ảnh chơi nhạc cụ, du lịch vòng quanh thế giới, làm kẻ lữ-hành-kỹ-thuật-số, học nhiếp ảnh từ chuyên gia hàng đầu thế giới, dịch sách, nhưng vẫn chưa tìm ra đam mê.

Nhưng ảnh đã tìm thấy “thứ gì đó”. Trong lúc ngồi xe bus đi xuống bang Texas ở Mỹ, anh tìm được một cái la bàn định hướng sự nghiệp vô giá. Lần mò theo sợi dây định hướng đến tương lai, ảnh từ bỏ khái niệm hão huyền “theo đuổi đam mê” và từng bước đạt được công việc mơ ước.

Cho những ai đang không yêu việc, muốn nghỉ việc, muốn theo đuổi đam mê, hoặc không biết phải làm gì kế.

Cho những ai phát ngán với những lời khuyên sự nghiệp sáo rỗng, thậm chí nguy hiểm, từ những người nổi tiếng hoặc thành công – vốn kể một câu chuyện khác biệt giữa những gì họ thực sự trải qua và những gì họ tô vẽ.

Thì cuốn sách Kỹ Năng Đi Trước Đam Mê là la bàn bạn cần trong hành trình tìm kiếm công việc bạn yêu thích. Những tư duy đúng đắn về nghề nghiệp trong sách cũng là lời khuyên mặc định của tôi với các bạn sinh viên chân ướt chân ráo mới đi làm.

Về Tác Giả

Tác giả Cal Newport

Calvin (Cal) Newport là Trợ Lý Giáo Sư môn Khoa Học Vi Tính tại Đại Học Georgetown. Ngoài tìm hiểu nền tảng lý thuyết của thời đại số, Newport còn viết về tác động của công nghệ này về thế giới lao động.

So Good They Can’t Ignore You (tựa Việt: Kỹ Năng Đi Trước Đam Mê) phỏng vấn và nghiên cứu những người đã đạt được thành công sự nghiệp. Từ nông dân, nhà đầu tư mạo hiểm, kịch tác gia, đến lập trình viên. Không có phép màu, điều kỳ diệu, thành công sau một đêm đâu.

Dưới đây là những ý tưởng chính của cuốn sách.

Quy Tắc #1: Đừng Theo Đuổi Đam Mê Của Bạn

“Theo đuổi đam mê” khẳng định: chìa khóa đến hạnh phúc nghề nghiệp là kết nối công việc của bạn với một đam mê có sẵn.

Nhưng bảo ai đó “theo đuổi đam mê” là lời khuyên vô-hồn khiến họ đâm đầu vào con đường sự nghiệp khó hiểu với bối rối và giận dữ. Có nhiều số liệu và trường hợp thực tế chứng minh giả thuyết này sai một cách nguy hiểm.

Xem ra “theo đuổi đam mê” chứa nhiều chuyện hoang đường cần giải mã.

Hoang Đường #1: Bạn chỉ có một đam mê duy nhất

Lời khuyên thông dụng (thường từ những Life Coach đang chật vật) là có một “công việc thần thánh” hay “thứ gì đó ngoài kia” là đam mê của bạn. Một hoạt động đặc biệt bạn đến Trái Đất này để làm. Một thứ bạn dành cả thanh xuân để theo đuổi.

Nhưng hầu hết mọi người đều có nhiều “đam mê” phong phú. Và đam mê của họ không cố định – chúng tiến hóa theo thời gian. Chơi piano là đam mê hay sở thích? Ngồi café tư vấn cho bạn bè là đam mê hay sở thích?

Có ít bằng chứng rằng đam mê tồn tại sẵn, chỉ chực chờ bạn khám phá. Tin rằng có một sự nghiệp vi diệu đang lấp ló ngoài kia chờ bạn nộp CV thường dẫn đến bất hạnh và lẫn lộn kinh niên. Khi thực tế thế giới lao động không khớp với ước mơ, bạn có cần vitamin A để cho mình sáng mắt ra?

Hoang Đường #2: Theo đuổi đam mê có nghĩa bạn sẽ sống hạnh phúc mãi mãi

Một khi bạn tìm thấy đam mê rồi, thì bạn sẽ “không phải làm việc một ngày nào trong đời nữa”. Mọi thứ thuận buồm xuôi gió từ đó chứ?

Sai.

Sự thỏa mãn công việc có nhiều yếu tố (phúc lợi, lương thưởng, đồng nghiệp, môi trường, cơ hội) chứ không chỉ phụ thuộc độc nhất vào “làm điều mình yêu”.

Điều tuyệt vời nhất khi được làm những việc bạn yêu thích là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy bạn nỗ lực vượt qua khi mọi thứ trở nên khó nhằn. Ai yêu việc thường là người làm việc chăm chỉ nhất. Họ nhập tâm với công việc. Họ làm thâu đêm hay làm thêm cuối tuần vì họ không thể không muốn cày thêm vài tiếng nữa.

Hoang Đường #3: Theo đuổi đam mê là được ăn cả ngã về không

Nhiều người hô hào điều duy nhất ngăn cản giữa bạn và công việc mơ ước là “lòng dũng cảm dám từ bỏ tất cả để theo tiếng gọi trái tim”. Đây là nhóm “dũng sĩ diệt đồng đội” của “văn hóa dũng cảm”. Họ khuyên mọi người nhắm mắt vững tin đưa chân, đổ dầu vào lửa đam mê, qua cầu rút ván vĩnh viễn.

Một viễn cảnh hoành tráng về theo đuổi đam mê là bạn đập bàn nghỉ việc sau bao ngày bị chủ bóc lột, trốn lên Đà Lạt thai nghén ý tưởng, rồi bán nhà ôm cục tiền thành lập start-up, và trời ơi may quá bạn lên như diều gặp gió. Người yêu say mê bạn. Cha mẹ tự hào về bạn. Đồng đội tin tưởng bạn. Nhân dân tung hô bạn.

Bạn có thểlàm thế. Nhưng bạn không cần phải thế. Tỷ lệ thành công của bạn không chắc chắn, nhất là khi cộng thêm độ căng thẳng và liều rủi ro của việc chơi tới bến. Thay vào đó, hãy bảo đảm Kiềng 3 Chân Ổn Định, tức là giữ những thứ cốt lõi trong cuộc sống của bạn được “cực ổn” — chỗ ở, công việc, gia đình hoặc bạn bè – để bạn được “cực máu” cháy hết mình cho những thứ quan trọng.

Bạn vẫn có thể theo đuổi đam mê mà không cần cống hiến từng giây phút cho nó. Trong thời đại tiện lợi, bạn có thể làm được nhiều điều tuyệt vời chỉ cần vài tiếng một tuần.

Quy Tắc #2: Tích lũy Vốn Nghề

“Hãy theo đuổi sự kiệt xuất và thành công sẽ theo đuổi cậu”

– Rancho, phim 3 Chàng Ngốc

Vậy nếu “theo đuổi đam mê” là lời khuyên tồi, thì bạn nên làm gì thay thế?

Danel Pink trong sách Động Lực 3.0 viết, một công việc mang lại cho bạn đam mê khi thỏa mãn 3 điều kiện sau: (1) sự tự quản: bạn làm chủ những việc trong ngày, hành động của bạn là quan trọng, (2) năng lực: cảm giác bạn giỏi cái bạn làm, (3) gắn kết: cảm giác kết nối với những người khác, khao khát muốn cống hiến.

Quy luật trao đổi bảo rằng nếu bạn muốn có một công việc với những đặc quyền như thế, bạn cần những kỹ năng quý hiếm tương xứng để trao đổi. Những kỹ năng quý hiếm này được gọi là vốn nghề. Nền móng xây dựng một công việc bạn yêu thích chính là thu hoạch được càng nhiều vốn nghề càng tốt. Hiểu về vốn nghề giúp bạn tiếp cận công việc với tư duy nghệ nhân (tập trung vào giá trị bạn mang đến cho thế giới) chứ không phải tư duy đam mê (tập trung vào giá trị thế giới mang đến cho bạn).

Tư duy đam mê đặt những câu hỏi – “Tôi là ai?” “Tôi thực sự yêu thích gì?” – là vô phương xác nhận chính xác rõ ràng có-hay-không. Tư duy đam mê bảo đảm sẽ khiến bạn cả đời bất hạnh và bối rối. Tư duy nghệ nhân lại mang tính giải phóng hơn: thay vì bận tâm xem công việc “đã phù hợp chưa”, bạn cần phải trở nên giỏi xuất sắc. Chẳng ai nợ bạn một sự nghiệp tuyệt vời; bạn phải tự đạt lấy – và hành trình không hề dễ dàng.

Vì vậy bạn không phải bận tâm bạn đã tìm được tiếng gọi cuộc đời chưa – nhiều công việc đều có thể là nền tảng cho một sự nghiệp hấp dẫn. Dù bạn làm gì để kiếm sống, thì cũng hãy tiếp cận công việc như một nghệ nhân tuyệt hảo.

Dựa trên tư duy nghệ nhân, môi trường làm việc tốt (và ngược lại) để bạn phát triển sự nghiệp sẽ hội đủ điều kiện:

  1. Cơ hội khác biệt bằng cách rèn luyện những kỹ năng quý hiếm.
  2. Làm những thứ hữu ích cho thế giới.
  3. Làm việc với những người bạn thích.

Đây là lý do tại sao kỹ năng chiến thắng đam mê nếu bạn muốn xây dựng một công việc bạn yêu thích. Chìa khóa mở cánh cửa đến công việc tuyệt vời KHÔNG phải là theo đuổi đam mê, mà là chăm chỉ làm việc để trở nên xuất sắc trong những việc có ích, rồi đạt được những đặc quyền mà thứ đó mang lại, và ngày càng yêu thích nó. Đam mê sẽ đến sau.

Làm sao bạn có thể tích lũy vốn nghề nhanh và nhiều nhất? Tập luyện có chủ đích chính là phương pháp. Cách này đòi hỏi bạn rèn luyện năng lực vượt qua vùng an toàn, nhận được phản hồi thẳng thắn về công việc, và lặp đi lặp lại cho đến khi giỏi hơn và giỏi hơn nữa. Nghệ sĩ và vận động viên đều quen với việc này. Nhưng đa số thì không. Nếu bạn tìm được một người hướng dẫn giỏi, sẵn sàng phản hồi cho công việc của bạn, bạn có thể vượt rào xa bạn bè đồng lứa trên hành trình tìm kiếm công việc trong mơ.

Càng giỏi thứ gì, ta càng cảm thấy sướng về sự hiện diện của mình trên Trái Đất này. Bạn hãy tưởng tượng cảnh đó ngay bây giờ. Thấy đã chưa? Ngay tim luôn.

Quy Tắc #3: Tầm Quan Trọng của Tự Chủ

Nếu mục tiêu của bạn là yêu thích những gì bạn làm, bước đầu tiên là thu thập vốn nghề bằng cách làm chủ những kỹ năng giá trị. Bước kế tiếp là đầu tư vốn nghề này vào những phẩm chất định hình một công việc hấp dẫn.

Những công việc hấp dẫn có điểm gì chung? Như đã nói ở trên:

1. Công việc cho phép bạn nhiều quyền tự chủ hơn

Khi bạn có những kỹ năng quý giá, bạn được quyết định bạn làm gì và làm như thế nào ở công việc. Một người có nhiều quyền hành hơn sẽ hạnh phúc, chủ động, và cảm giác thỏa mãn trong công việc hơn. Cuốn sách Động Lực 3.0 dẫn chứng những công ty trao quyền hành cho nhân viên tăng trưởng gấp 4 lần những công ty áp đặt.

2. Công việc khả thi tài chính

Người khác có sẵn sàng trả đủ tiền để bạn có nhiều quyền hành hơn trong công việc không? Tiền là thước đo giá trị minh bạch nhất. Sở thích nào không trả tiền không thỏa mãn quy luật này.

3. Công việc có sứ mệnh

Công việc có sứ mệnh là một nguồn thỏa mãn lớn lao. Sứ mệnh là trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực và đạt đến cảnh giới cao nhất. Bạn tập trung năng lượng vào một mục tiêu hữu ích để tối đa tác động của bạn lên thế giới. Sứ mệnh là điểm tập trung thống nhất cho sự nghiệp của bạn. Sứ mệnh bao quát hơn một công việc cụ thể và có thể phù hợp với nhiều vị trí. Sứ mệnh còn trả lời được câu hỏi lớn: “Tôi nên làm gì với đời mình?”

Vậy sứ mệnh tìm được ở đâu? Tìm ý tưởng cho sứ mệnh cũng giống như khám phá khoa học. Để tìm ý tưởng đó, bạn phải chạm được đến lĩnh vực tối tân nhất, hiện đại nhất, mới mẻ nhất, nơi những nhiệm vụ này phơi mình ra trước mắt bạn.

Cho nên nếu bạn muốn theo đuổi sứ mệnh, bạn cần tích lũy vốn nghề. Thiếu vốn nghề sẽ cản trở tầm nhìn của bạn.

Quy Tắc #4: Nghĩ Nhỏ, Làm Lớn

Sau khi đã tích lũy kha khá vốn nghề để nhận diện sứ mệnh, bạn cần lên kế hoạch hiện thực hóa sứ mệnh thành thực tế. Để tiến tới vùng tối tân trong một lĩnh vực cần bạn “nghỉ nhỏ” – tập trung chuyên sâu vào một chủ đề ngách trong khoảng thời gian dài. Hãy phân tích 80/20 những chủ đề khả thi xung quanh sứ mệnh của bạn, tìm xem hoạt động nào tốn ít sức nhất nhưng tạo hiệu quả dài lâu nhất.

Một chiến lược hiệu quả là làm những “thử nghiệm nhỏ” để nhận phản hồi rồi không ngừng cải thiện. “Thí nghiệm nhỏ” là những dự án quy mô nhỏ, hoàn thành được dưới một tháng, bắt bạn phải học để tạo ra giá trị mới, và tạo ra kết quả dùng được. Cách khám phá có hệ thống này có thể giúp bạn tìm ra con đường tuyệt vời tiến để tiến đến mục tiêu, với rủi ro thấp.

Để một dự-án-hướng-đến-sứ-mệnh thành công, nó nên đáng chú ý ở hai cách khác nhau. Một là dự án phải thu hút người khác phải-nói-về-nó. Hai là dự án được thực hiện ở một cộng đồng trân trọng và hỗ trợ nó. Sau khi bạn đã chạm đến vùng tối tân này, và nếu dữ liệu chứng minh bạn đang đi đúng hướng, hãy “chơi lớn” hành động liên tục xem ai có trầm trồ.

Những người thành công bậc nhất trong thời đại của chúng ta không hề xác định ra khơi để thay đổi thế giới. Họ chỉ muốn làm công việc của họ thật xuất sắc. Đừng để tầm nhìn vĩ đại “thay đổi thế giới” ngăn bạn hành động ngày hôm nay. Hãy bắt đầu từ bước nhỏ.

Vĩ Thanh: Cách Tôi Xây Dựng Kỹ Năng và Đam Mê

Phần thưởng bất ngờ khác trong công việc mơ ước của tôi: ngắm hoàng hôn kỹ vĩ mỗi ngày

Tôi có hai lần bắt xu hướng sự nghiệp thành công: Digital Marketing và Scrum Master.

Vào thời anh Mark Zakuberge còn chưa IPO Facebook, khi thấy những thầy dạy marketing trong trường chỉ cập nhật các khái niệm SEO, Social Media, Website, Email Marketings, tôi đã lân la làm bạn với Digital Marketing qua tài liệu nước ngoài, xắn tay áo mày mò công cụ, và nhận dự án freelancer. Digital Marketing đã giúp tôi có một “vốn nghề” kỹ năng marketing giá trị mà doanh nghiệp nào cũng cần, để tôi đổi lấy một nghề tay trái linh hoạt ở bất kỳ đâu và tạo ra một khoảng thu nhập thụ động. Nó cũng giúp tôi xây dựng và tự động hóa hệ thống www.ptcn.me. Bạn có thể xem portfolio của tôi www.greatsun0.com.

Sau khi công việc quản lý dự án ở một công ty làm gia công game lão làng tại Việt Nam, tôi nhảy việc hơn ba lần. Qua nghiên cứu mô tả công việc trên ITviec, nhận thấy “vốn nghề” từ công việc quản lý dự án trước theo mô hình Waterfall lạc hậu, tôi học thêm về Agile để bắt nhịp thị trường. Agile là cách quản lý dự án hiện đại trong môi trường thích nghi phức tạp, đặc biệt phù hợp phát triển phần mềm. Trong vòng ba tháng, tôi đọc chục cuốn sách về Agile, thi lấy hai chứng chỉ chuyên môn, phỏng vấn với hầu hết các công ty IT lớn trên thị trường, kết nối với developer trong ngành, để cuối cùng trở thành Scrum Master đầu tiên của một tập đoàn mới thành lập tại Việt Nam. Công việc mới cho tôi một mức thu nhập thỏa đáng, những người mentor sẵn sàng phản hồi cho sai lầm ngớ ngẩn, và những người đồng nghiệp tôi thích. Agile cũng tôi đúc một cái khung tư duy hiệu quả giúp tôi quản lý tất cả dự án trong đời mình và một sứ mệnh xây dựng đội ngũ tuyệt vời hướng đến tự tổ chức và đa chức năng.

Trở Nên Quá Giỏi Không Thể Phớt Lờ

Vậy bạn đã bóc tách ra ba đặc tính của “đam mê”: đam mê thì hiếm hoi, đam mê cần thời gian, và đam mê là hiệu ứng phụ của Tinh Thông. Thực sự bạn có rất ít đam mê. Đam mê cần thời gian để được khai phá. Và khi bạn càng trở nên giỏi điều gì, thì bạn sẽ nảy sinh đam mê với nó.

Đừng quá ám ảnh theo đuổi “tiếng gọi đời mình”. Thay vào đó, hãy tinh thông những kỹ năng hiếm hoi giá trị. Những kỹ năng này sẽ giúp bạn xây dựng vốn nghề. Vốn nghề để bạn đầu tư đổi lấy sự tự chủ trong công việc và nhận diện sứ mệnh của mình.

Người tài giỏi luôn có vị trí trang trọng trong chỗ làm và thế giới. Làm việc đúng đi chiến thắng tìm đúng việc. Kỹ năng đi trước đam mê.

Chúc bạn trở nên quá giỏi không thể phớt lờ.

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...