Skip to main content

Làm thế nào để hack nền giáo dục để bạn có được kiến thức + kỹ năng với chi phí thấp nhất? Ai nghĩ đại học là con đường duy nhất xin đừng đọc bài này.

Đại Học Cá Nhân là gì?

“Cậu đã phí $150,000 cho sự giáo dục cậu có thể đạt được chỉ với $1.5 cho phí nộp sách trễ tại thư viện công cộng.” – Will Hunting, phim Good Will Hunting

“Tôi tin chắc rằng tự-giáo-dục là loại hình giáo dục duy nhất trên đời.” – Isaac Asimov

Đại Học Cá Nhân là dự án, khái niệm và ý tưởng được thiết kế để giúp bạn tự giáo dục về những chủ đề chuyên môn. Mục này sẽ chỉ bạn cách để tăng trưởng kiến thức và kỹ năng bình đẳng và bền vững trong nhiều lĩnh vực chỉ với quỹ thời gian riêng tư và chi phí rất thấp, mà không cần phải đặt chân vào trường học chính quy.

Đại Học Cá Nhân linh hoạt hơn một chương trình giảng dạy trong nhà trường. Chương trình của Đại Học Cá Nhân trao quyền cho bạn học bất kỳ lúc nào, ở đâu, thảo luận với những ai. Không bắt bạn phải e ngại trước học phí hay nhồi sọ những thứ không hữu ích. Bạn chỉ cần đọc một quyển sách, học hết sức mình, thảo luận những gì đã học được, sau đó thâm nhập vào thực tế và bắt tay hành động.

Nếu bạn quan tâm đến việc tự giáo dục bản thân, Đại Học Cá Nhân là nơi tốt nhất để bắt đầu.

Đại Học Cá Nhân dành cho ai?

“Trong khi học phí đại học cứ tăng thì giá trị bằng cấp trong thị trường lao động cứ giảm “ – This is a class war disguised as a generation war, Laurie Penny

Tất cả mọi người. Đặc biệt là những người ham học. Trong tất cả nhu cầu ham muốn của loài thì nhu cầu ham hiểu biết (hiếu tri) là lành mạnh nhất.

Cách tiếp cận này có độ hiệu quả khác nhau giữa các ngành. Tôi không khuyên bạn “hack” bằng đại học cá nhân nếu nghề của bạn yêu cầu chứng chỉ. Bằng cấp chứng chỉ không có gì xấu cả, nó là sự chứng nhận cho nỗ lực của bạn.

Những ngành cần bằng cấp:

  • Y tế: Bác sĩ, y tá, dược sĩ, huấn luyện viên. Bạn đâu phải Black Jack (Bác sĩ quái dị).
  • Luật: Luật sư. Ngay cả Phoenix Wright cũng phải thi lấy bằng.
  • Những ngành cần chứng chỉ quốc gia: Công an, giáo viên. Trừ phi bạn làm thợ săn tiền thưởng hay thầy giáo quái dị Onizuka

Những ngành không cần bằng cấp:

  • IT: Lập trình, Thiết Kế
  • Kinh Doanh: PR, Marketing, tổ chức sự kiện, bán hàng, khởi nghiệp kinh doanh…
  • Tư vấn và lĩnh vực dịch vụ:
  • Báo chí: Vũ Đức Sao Biển là tấm gương
  • Phi lợi nhuận:quyên góp quỹ, tìm kiếm nhà tài trợ
  • Nghệ thuật: ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công

Nếu bạn nói “Tôi cần một công việc ngon lành ngay tức thì” hay “tôi muốn học hỏi mà không bị ràng buộc bởi tiền bạc hay bằng cấp”. Cách tiếp cận của Đại Học Cá Nhân là vàng 9999.

*Xuất thân từ ngành kinh doanh, tôi chỉ có thể thảo luận về lĩnh vực kinh doanh. Những lĩnh vực khác xin nhường micro và ánh đèn cho chuyên gia.

Chương trình Đại Học Truyền Thống

“Bất kể trình độ của giảng viên là gì, sự tiến bộ của bạn phải dựa chủ yếu vào chính bạn. Họ không thể suy nghĩ hay lao động thay bạn, họ chỉ có thể giúp bạn tìm ra lối tư duy và lao động tốt nhất dành cho bạn..” – Joseph Priestly, New College, London, 1794.

Có nhiều cuộc tranh cãi về giá trị của chương trình đại học truyền thống. Có hẳn nhiều nghiên cứu bảo rằng chương trình MBA cung cấp rất ít giá trị tương quan tới chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội khi hoàn thành khóa học. Bài nghiên cứu The End of Business Schools? Less Success Than Meets the Eye của Academy of Management Learning and Education đã chứng minh cụ thể điều này. Nói ngắn gọn, đây là phần hỏi & đáp về điểm cộng & trừ của trường kinh doanh:

  • Chương trình giáo dục truyền thống có ích cho bạn không? Có. Bạn sẽ gặp gỡ rất nhiều người thú vị, làm quen với các giáo sư và nhà tuyển dụng giúp bạn dành được công việc. Đổi lại, bạn sẽ ngập chìm trong nợ nần. Nếu bạn học toàn thời gian, bạn còn có thể mất 2 chi phí cơ hội lớn: tiền lương và tiền tiết kiệm tích lũy cộng dồn dài hạn.
  • Trường Đại Học truyền thống có dạy bạn những gì bạn không thể tự mình học không? Chắc là không. Thảo luận trong lớp có thể có ích, nhưng không có bài học nào trong chương trình giáo dục truyền thống mà bạn không tự học được bằng cách đọc sách chuyên ngành. 80% giá trị của lớp học KHÔNG nằm ở kiến thức. 20% lợi ích chủ yếu đến từ mối liên kết với những học viên tài năng khác và những nhà tuyển dụng. Lợi ích lớn nhất của đi học là cho phép bạn tận dụng cơ hội này để nói chuyện, tung hứng, thử nghiệm, trao đổi ý tưởng và phạm một đống sai lầm. Trong phạm vi trường học, không ai đuổi việc hay trừ lương bạn nếu bạn phạm sai lầm.
  • Chương trình giáo dục truyền thống có đáng với thời gian, công sức và tiền bạc của bạn không? Tiếc là không có câu trả lời rõ ràng. Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội tại những tập đoàn lớn hay các công ty nhà nước thì bằng Thạc sĩ hoặc Tiến Sĩ là cần thiết để leo lên vị trí cao hơn.  Điều chắc chắn duy nhất là bạn sẽ ngập chìm trong nợ nần vài năm.
  • Chương trình đại học là thứ hoàn toàn vô dụng và phí thời gian lẫn tiền bạc. Nếu bạn nhắm việc ở các tập đoàn hoặc ở một lĩnh vực bạn không có kinh nghiệm, bạn sẽ muốn làm việc cho một công ty sẵn sàng tăng bậc lương và phúc lợi dành cho người có bằng cấp cao hơn. Hoặc người thuê bạn sẵn sàng trả toàn bộ học phí. Nếu bạn khởi nghiệp kinh doanh hay là một quản lý cấp trung ở một công ty bạn yêu mến, khoảng thời gian và năng lượng hữu hạn của bạn tốt nhất nên đầu tư cho sự nghiệp hoặc tự học.
  • Bạn sẽ không học được gì hữu ích trong chương trình đại học. Giống như bao trải nghiệm cuộc sống khác, những gì bạn học được được quyết định chủ yếu bởi quỹ năng lượng và sự tập trung bạn đã đầu tư. Bạn có thể học được rất nhiều điều hữu ích từ đại học – bạn chỉ không học những gì bạn không thể học ở nơi khác hoàn chỉnh hơn/nhanh hơn/rẻ hơn, và bạn tốn rất nhiều thời gian vào những thứ không quan trọng đến mức vậy.
  • Những ai học đại học là đồ ngốc. Tài sản lớn nhất của sinh viên là sự thông minh, có định hướng và tham vọng. Điều mỉa mai là những sinh viên sáng giá nhất có thể thành công dù có bằng đại học hay không. Theo giáo sư môn hành vi tổ chức tại Stanford Jeffrey Pfeffer“Nếu bạn đủ giỏi để nhập học, bạn rõ ràng cũng đủ năng lực để làm tốt dù có bằng hay không”

Những gì tôi KHÔNG nói về trường đại học

Dù bạn có đi học trường đại học hay không, Đại Học Cá Nhân vẫn là cách hiệu quả và chi phí thấp để giáo dục bản thân về một chuyên ngành bạn đam mê. Ngay cả khi bạn đang học hay đã tốt nghiệp, bạn vẫn có thể hưởng lợi từ bộ tài liệucông cụ.

Trước khi chúng ta đề cập đến việc xây dựng thư viện Phát Triển Cá Nhân, xin phép làm rõ một vài kỳ vọng của bạn:

Đại Học Cá Nhân không phải…

  • Một tấm bằng. Bạn cần tách biệt giáo dục khỏi bằng cấp. Bạn sẽ không được (1) các tay săn đầu người tranh giành (trong giai đoạn đầu) và (2) một tấm bằng thật đẹp đóng khung treo tường. Tuy nhiên, bạn sẽ có sự hiểu biết chuyên môn không kém cạnh sinh viên tốt nghiệp trường truyền thống, cùng với niềm sung sướng không phải cầm cố tài sản để đạt được lượng tri thức đó. Bạn không cần tấm bằng để có thể hiểu, sử dụng và thảo luận về những chủ đề kinh doanh cao cấp. Mặt khác, bằng cách xây dựng một portfolio tập hợp các ghi chú bạn đã học được qua Đại Học Cá Nhân, bạn dư sức gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ với nhà tuyển dụng. Đây là bằng Đại Học Cá Nhân của bạn – một tài sản hữu hình chứng minh sự nghiêm túc và chăm chỉ của bạn.
  • Cuộc mạo hiểm đơn độc. Bạn không thể học về một thứ gì đó chỉ từ đọc sách (hay ngồi trong lớp học). Bạn phải sẵn sàng đi ra ngoài và học qua thực hành. Những trải nghiệm công việc mỗi ngày sẽ giúp bạn tăng kiến thức và kỹ năng của bạn. Đồng thời bạn cũng hiểu thêm về những gì mình đã đọc. Đọc sách thôi không đủ, áp dụng những gì bạn đọc là rất cần thiết.
  • Bản sao kém cỏi của chương trình đại học truyền thống. Đại Học Cá Nhân được tạo để giúp bạn nắm những khái niệm cốt lõi chuyên ngành một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này không bao gồm tất cả những gì bạn có thể học trong trường. Đại Học Cá Nhân tập trung vào kiến thức hữu dụng cho bạn trong thực tế, không phải kiến thức mà giảng viên cho là thú vị.
  • Chương trình phi nhân tính. Bạn sẽ tìm được nhiều tài liệu để học hiểu mình là ai, mình giỏi cái gì, và cách làm việc nhóm hiệu quả hơn so với chương trình giảng dạy bình thường. Những khái niệm và kỹ năng mềm thường thực tế và quan trọng hơn kiến thức lý thuyết, và sẽ giúp bạn vô cùng trong cuộc sống và công việc hằng ngày.
  • Một nền giáo dục không khiếm khuyết. Nếu bạn không đồng ý với một trong những lựa chọn hoặc cho rằng một quyển sách hay không được đề cập, không sao cả. Bạn có thể tự do thay thế bằng tài liệu mình yêu thích. Nếu bạn định kiến về giá trị của một quyển sách bạn chưa từng đọc, hãy thử đọc vài trang mẫu (sử dụng tính năng của Amazon). Nếu bạn vẫn không thấy hữu ích sau khi đọc vài chương, bỏ quyển sách xuống, và đọc cuốn khác. Giữ định kiến, nhưng là định kiến chủ động.
  • Dễ. Học qua danh sách này sẽ yêu cầu thời gian, năng lượng và sự kiên nhẫn. Không có lựa chọn nào khác. PTCNVN sẽ thiết kế chương trình ở mức dễ sử dụng nhất có thể, phần còn lại phụ thuộc vào bạn sẽ đầu tư bao nhiêu thời gian và năng lượng để học.

Lời cám ơn

Đại Học Cá Nhân được tạo bởi quan điểm của rất nhiều người. Ý tưởng chính được dựa trên Josh Kaufman. Những đóng góp khác: Seth Godin, Rick Bennett, Greg Flint, Chris Woodruff, Brendon Connelly, Tom Ehrenfeld, Bob Gilbreath, Sam Aquillano, Jeff Bates, Kent Kingery, Kelsey Kaufman, Sheri and Dave McKelfresh, Michael Ramm, Bill Redd, Todd Sattersten, 800-CEO-READ, Phillip Eby, Tyler Martin, Olivier Cotossen, Joseph Goldberg, Justin Lee, Vincent Touquet, Ben Casnocha, Olivier Roland, Akshay Kapur, Dan Rubin, Travis Corcoran, PJ Eby, và Evan Deaubl.

Chân thành cám ơn đến những người đã đóng góp vào thư viện PTCNVN.

Bài đăng trên báo Doanh Nhân Sài Gòn số 173 (14-20.12.2011)

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...