Skip to main content

Ai giàu? Người biết hài lòng. – Benjamin Franklin

Giàu có tài chính và tự do tài chính là hai điều hoàn toàn khác nhau. Khi bạn tách biệt được hai khái niệm này, vô vàn lựa chọn hấp dẫn sẽ mở ra để bạn có một cuộc sống tài chính thoải mái.

Khủng hoảng kinh tế hiện nay đã dạy chúng ta một điều: không có gì là bảo đảm tuyệt đối. Tôi yêu Việt Nam nhưng tôi không yêu Việt Nam Đồng, lạm phát tăng nằm ngoài tầm kiểm soát khiến chi phí cuộc sống của bạn nhảy vọt. Một cơn tinh giảm biên chế đột ngột khiến bạn mất thu nhập, nghèo vẫn phải cho Tèo đi học. Nếu thu nhập của bạn đột ngột biến mất, bạn phải thay đổi ngay lập tức thói quen tiêu dùng hoặc vác gậy và bị gia nhập hội Cái Bang.

Tự Do Tài Chính là gì?

Tự do tài chính là có “đủ” tiền để đưa ra những quyết định trong cuộc sống mà không bị chi phối bởi tiền bạc. Tiền thì anh không thiếu nhưng nhiều thì anh không có mà cần thì anh luôn có. Tiền bạc luôn luôn đóng một vai trò trong cuộc sống của bạn. Một người thiếu tiền sẽ suốt ngày luôn canh cánh nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, không suy nghĩ được gì khác. Bạn trở nên tự do khi tiền bạc không còn là yếu tố thống trị ảnh hưởng đến quyết định của bạn.

Dưới đây là những dấu hiệu chứng tỏ bạn là nô lệ của tiền bạc:

  • Bạn băn khoăn chọn người yêu dựa trên vật chất hào nhoáng thay vì những rung động của con tim.
  • Bạn đắn đo chọn công việc dựa trên mức lương thưởng thay vì niềm đam mê với ngành nghề.
  • Bạn để sự tham lam vô sỉ hay thói tệ lưu manh bần cùng ảnh hưởng cách đối nhân xử thế.
  • Bạn hy sinh sự chính trực để đạt được mục đích tài chính.
  • Bạn làm việc vất vả để duy trì lối sống của mình.

Ở đời chỉ cần có tiền là xong tất!”, không thể tổng kết toàn bộ cuộc sống chỉ bằng câu giản đơn như thế. Cuộc sống không chỉ là bảng cân đối lời-lỗ, mọi quyết định đưa ra không chỉ nên dựa trên lợi nhuận. Tiền bạc không nên là sức mạnh thống trị cuộc đời con người. Nghèo vẫn sạch được, đói vẫn thơm được, không nhất thiết phải phú quý mới sinh lễ nghĩa. “Biết đủ là đủ” là một cách sống văn minh và nhân văn.

Tự Do Tài Chính quan trọng hơn Giàu Có

Tự do tài chính không đồng nghĩa với giàu có. Bao nhiêu là “đủ” tùy vào mỗi cá nhân. Một người có hàng tỷ VND mỗi năm vẫn có thể bị tù túng trong chính “cái hộp” biệt thự của họ, trong khi người khác đạt được tự do chỉ với 50 triệu VND mỗi năm.

Để dễ hiểu hơn, hãy nhìn tự do tài chính dưới góc nhìn của một người cổ đại. Với chàng ăn lông ở lỗ này, thức ăn chính là nguồn tài nguyên thống trị nhiều quyết định của anh. Nếu lương thực khan hiếm, tìm kiếm thức ăn sẽ chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí anh. Khi lương thực dư dả, anh ta mới thảnh thơi tận hưởng những thú vui tinh thần khác. Nói cổ đại là nói vui, chứ hiện nay trên thế giới vẫn có 1,000,000,000 người đang phải đối mặt với nạn đói, tức 1/7 người đang đói, và cứ 4 giây thì có một người chết vì đói (1/2 số đó là trẻ em dưới 5 tuổi)…

Với thức ăn, có giới hạn trần cho số lượng bạn có thể tiêu thụ. Khi bạn đạt đủ thức ăn trong kho, tự do khỏi đói khát đã được bảo đảm. Nhưng không hề có giới hạn trần cho tiêu xài tiền bạc. Đó là lý do tại sao ngay cả ở một đất nước nghèo “đội sổ” như Việt Nam hay đất nước giàu có như Mĩ, có nhiều người tự do khỏi đói khát hơn là tự do khỏi tiền bạc.

Giàu có chỉ là một góc của bức tranh tổng thể. Nếu tổng chi vượt quá tổng thu, thì không quan trọng bạn giàu hay nghèo: bạn không tự do gì hơn những người chỉ hưởng lương tối thiểu. Theo đuổi sự giàu có là một mục tiêu đáng trân trọng (miễn là bạn thực hiện bằng cách đóng góp giá trị), nhưng giàu có không bảo đảm cho sự bình an tâm hồn và sự thỏa mãn, vốn thường được đính kèm làm “quà khuyến mãi” khi bạn đạt tự do tài chính.

Một người thường đặt mục tiêu tài chính bằng cách định lượng số tiền kiếm được hoặc số tiền tiết kiệm được. Có được ___ vào ngày ___. Vậy chưa đủ. Suy nghĩ giản đơn này sẽ không giúp bạn đạt được tự do tài chính một cách dễ dàng trừ phi bạn nỗ lực ở tất cả khía cạnh.

Để đạt được tự do tài chính có 3 nền tảng chính:

  1. Ngưỡng chi phí cuộc sống thấp: tối ưu hóa chi phí và sống đơn giản
  2. Thu nhập cao hơn chi tiêu: kiếm nhiều tiền nhất có thể
  3. Tự động hóa tài chính: thu nhập tự động và chi tiêu tự động

Đây là một mục tiêu cực kỳ khó thực hiện. Tuy nhiên bạn không cần đạt 100% tự do tài chính để tận hưởng hương vị ngọt ngào mà nó mang lại. Nuôi dưỡng bất kỳ khía cạnh nào nêu trên cũng sẽ cải thiện cuộc sống của bạn theo chiều hướng tích cực.

1. Ngưỡng Chi Phí Cuộc Sống Thấp

Từ bầy gia súc của anh, chỉ một hai tách sữa,
Từ vựa lúa của anh, chỉ một ổ bánh mì,
Trong cung điện của anh, chỉ một nửa chiếc giường:
Con người có thể sử dụng nhiều hơn? Và liệu anh có sở hữu những gì còn lại?

– Thơ Sanskrit cổ

Ngưỡng chi phí cuộc sống là số tiền tối thiểu bạn cần để hưởng thụ một cuộc sống thoải mái. Một ngưỡng chi phí cuộc sống thấp có nghĩa bạn có thể hoàn toản thỏa mãn chỉ với một ít tiện nghi vật chất. Cường đôla có thể cần 100 triệu mỗi tháng, Dũng vnd có thể chỉ cần 10 triệu. Nếu bạn hết sạch tiền tiết kiệm và giảm thu nhập xuống còn 80%, liệu bạn còn có thể hạnh phúc? Hay bạn sẽ trở thành một người khốn khổ cố gắng thích nghi với mức thu nhập mới?

Có ngưỡng chi phí cuộc sống thấp nghĩa là bạn sẵn sàng hy sinh nhiều hơn để tạo ra những thay đổi lớn. Một anh nhân viên công sở có chi phí cuộc sống tầm 10 triệu tháng. Nếu anh có cơ hội để chuyển sang một nghề anh đam mê, nhưng lương khởi điểm chỉ có 5 triệu, anh sẽ không dám tiến bước. Một chi phí cuộc sống thấp là tự do. Càng ít ràng buộc bởi vật chất chừng nào, bạn càng tự do chừng đó. Dưới đây có 2 yếu tố để giúp bạn có ngưỡng chi phí cuộc sống thấp.

Yếu tố số 1 là kỹ năng giảm thiểu ham muốn của bạn. Khi bạn yêu những gì bạn có thì bạn đã có tất cả. Kinh tế càng khủng hoảng chúng ta càng phải tập sống đơn giản. Warren Buffet từng nói: “Đừng nhầm lẫn chi phí cuộc sống với chất lượng cuộc sống. Đa số chúng ta đều bị tẩy não để ham muốn nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, điện thoại hi-tek, xe hơi sang trọng với niềm tin rằng sở hữu chúng sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn, thành đạt hơn. Nhưng bạn cần tỉnh táo phân loại ưu tiên. Một người có ít tiền vẫn sống thoải mái hạnh phúc được. “Biết đủ là đủ” là yếu tố tạo nên hạnh phúc bền vững hơn là một tài khoản kếch xù.

Yếu tố thứ 2 là tối ưu hóa chi tiêu. Ông bà ta có câu: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. May mắn thay, thời buổi ngày nay có 1001 cách cho một người tiêu dùng khôn ngoan tiết kiệm chi tiêu. Đăng ký groupon giúp bạn thảnh thơi thưởng thức ẩm thực, săn hàng không giá rẻ giúp bạn du lịch bốn phương nhẹ nhàng, mua thời trang xuất khẩu giúp bạn mặc đẹp, thuê phim về nhà thay vì đi xem rạp, đi xe bus thay vì xe máy, ở nhà nghỉ thay vì khách sạn, nấu ăn ở nhà thay vì đi ăn tiệm… Sống tiết kiệm là lối sống tích cực, văn minh, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hiện nay, tôi đang có thể làm hầu hết những điều tôi muốn. Tôi không hứng thú với xe cộ, điện thoại hay quần áo đắt tiền. Cuộc đời tôi không được xây dựng bằng những cái mác giá. Tôi là một người ham chơi. Nhưng thú chơi của tôi khá đơn giản. Một sáng bình an nghe những bản nhạc kinh điển, thưởng thức trà bên cạnh cuốn sách đọc dở, chơi videogames với anh trai, xem một bộ phim với gia đình, đi thưởng thức ẩm thực với bạn bè… Những thú chơi không tốn kém làm con người tự tin tài chính hơn. Vào những thời khắc đen tối nhất của nền kinh tế, tôi vẫn có thể chơi hoài.

2. Thu Nhập Cao Hơn Chi Tiêu: Kiếm Nhiều Tiền Nhất Có Thể

Nghèo đói sinh ra những xấu xa, lầm than và sở dĩ nghèo đói là vì có nhiều miệng ăn hơn là bánh, có nhiều đầu hơn là óc – Hazlitt

Bạn có đang làm công việc trong mơ của bạn? Với lòng tham cố hữu và những món nợ ngập đầu, con người đang làm nô lệ tự nguyện cho những công việc hút vãi linh hồn. Để thoả mãn ham muốn và sinh tồn qua ngày, bạn phải có công việc với thu nhập càng cao càng tốt, và phải nô lệ cho công việc một cách nghiêm túc. Mất công việc là mất hết.

Thống kê của Visa International về mức độ tiêu xài cá nhân xác định Việt Nam dẫn đầu bảng. Nếu tính theo thu nhập đầu người, người Việt Nam qua mặt cả dân Mỹ về mặt tiêu xài. Dù bạn không muốn nợ tiêu dùng, nhưng người yêu, vợ con và đa số thành viên gia đình sẵn sàng mua sắm dùm bạn. Một vài khoản nợ là đầu tư. Bạn mượn tiền đi học, khởi nghiệp hoặc mua nhà là cần thiết để đạt những mục tiêu quan trọng hơn. Nhưng hầu hết món nợ hôm nay của bạn không liên quan gì đến đầu tư tương lai. Mua một bộ cánh đẹp hơn, chiếc xe hơi ngầu hơn, nhà lớn hơn, ăn ngon hơn. Tiêu thụ hôm nay với cái giá của ngày mai.

Lợi nhuận là thu nhập trừ đi chi phí. Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu mà quan trọng bạn giữ lại được bao nhiêu. Lúc này sự khác biệt giữa giàu có và tự do tài chính rất rõ ràng. Nếu bạn tiêu dùng gần hết số tiền kiếm được mỗi tháng, bạn có thể có một lối sống thoải mái, nhưng bạn chưa đạt được tự do. Để đạt tự do tài chính, bạn phải kiếm nhiều tiền nhất có thể trong khả năng của bạn và chủ động tiết kiệm.

Việc kiếm tiền phụ thuộc vào năng lực tạo ra giá trị và khả năng vận chuyển giá trị của bạn. Bạn càng tập trung phát triển những kỹ năng tạo ra giá trị chừng nào, số tiền bạn kiếm được càng nhiều chừng đó. Bước kế tiếp là bạn tự marketing bản thân để thỏa sức phát triển trong một môi trường thích hợp. Điều này thường đòi hỏi một đòn liên hoàn bao gồm kỹ thuật viết CV, thư giới thiệu, săn việc và phỏng vấn. Với những bạn tự khởi nghiệp, hiểu biết về marketing sẽ giúp bạn kiếm tiền hiệu quả hơn.

Ngụ ngôn Lafontaine về Con Ve và Cái Kiến đã dạy một bài học rất hay về việc chủ động tiết kiệm. Trong khi con ve mãi rong chơi thì cái kiến chăm chỉ làm việc để bỏ vào quỹ tiết kiệm. Sau cùng, cái kiến có thể thảnh thơi nghỉ ngơi trong khi con ve chết tức tưởi dưới cái rét mùa đông. Thay vì bận tâm xem mình có đủ thức ăn không, cái kiến luôn có dư phần trong tủ để thoải mái trùm chăn chơi games vào những ngày đông.

Hãy trả cho chính mình trước. Khi bạn có khả năng bỏ 10%, 30% hoặc 50% thu nhập của bạn vào tài khoản tiết kiệm, bạn đã gia tăng sự tự do lên 10%, 30% hoặc 50%. Bất kể bạn mất bao lâu để đạt được sự do, hãy nhớ rằng bạn đang lao động vì những điều lớn lao hơn là những ngày nghỉ nhàn hạ.

Tự Động Hóa Tài Chính: Không Phải Làm Việc

Rồi đây nhân loại sẽ tới giai đoạn thừa sức sống đến mức không cần ngủ, thừa sinh lực để cùng sống mãi mãi, nhu cầu hôn nhân sẽ được thay thế bởi nhu cầu phát triển tinh thần. Tóm lại nhân loại sẽ là thiên thần cả. – Công Bằng Chính trị, của William Godwin

Trong thế giới lý tưởng của những kẻ giàu tưởng tượng, xã hội sẽ giàu có vật chất vượt trội nhu cầu sinh lý đến mức con người làm việc hoàn toàn vì niềm vui thích lao động thay vì kế sinh nhai. Chuyện này không xảy ra với tất cả mọi người, nhưng sẽ xảy ra với một số ít người có khả năng tạo thu nhập tự động trước. Theo báo cáo Nielsen năm 2012, hiện Việt Nam có khoảng 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu và sẽ còn gia tăng lên 20 triệu trong năm 2020. Khi tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều lên thì thiên đường ở hạ giới của Việt Nam cũng đang tiến dần hơn.

Một mô hình tự do tài chính hoàn chỉnh có nghĩa thu nhập của bạn là tự động: qua lãi suất (ngân hàng, bất động sản), bán bản quyền (sách, âm nhạc), hay sự nghiệp kinh doanh. Nhiều năm qua việc thuê ngoài và tự động hóa đã giúp tôi đạt được một khoảng thu nhập thụ động khá thoải mái. Nếu bạn ngừng làm việc trong khoảng thời gian dài, đời bạn cũng không rẽ ngoặt sang con đường của Cái Bang.

Một cách khác là tạo tài khoản tiết kiệm trị giá 1 năm thu nhập của bạn. Khoảng thu nhập thụ động hoặc tài khoản tiết kiệm này sẽ làm phanh hãm, giữa bạn và những-công-việc-thu-nhập-cao-nhưng-bạn-không-đam-mê.

Cuối cùng, tự động hóa chi tiêu sẽ khép lại trọn vẹn mô hình tự do tài chính của bạn. Nguồn thu nhập tự động thôi không đủ, nếu bạn vẫn phải bận tâm cân đối bảng chi tiêu và trả hóa đơn hằng tháng thì bạn vẫn còn nỗi lo tài chính. Bạn có biết rằng ngân hàng có thể tự động thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước cho bạn? Suốt những năm qua, tôi đã tự động hóa tài chính qua hệ thống ngân hàng, thẻ tín dụng, đầu tư và những bảng cân đối tài chính (You Need a Budget).

Một cuộc sống giàu có và ý nghĩa hơn

Những thứ bạn sở hữu, rồi sẽ sở hữu bạn – Fight Club

Nếu chúng ta giàu đến thế tại sao chúng ta lại không hạnh phúc? – Mihalycsiks Entmihalyi, học giả hàng đầu về tâm lý tích cực

Kinh tế học giả định rằng con người có vô hạn ham muốn. Giả thuyết này hữu ích cho việc vẽ biểu đồ, nhưng thực tế thì ngược lại. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra sau một khoảng tối thiểu nhất định, tiền bạc không còn là nhân tố trực tiếp đến hạnh phúc. Ở một đất nước đã phát triển thịnh vượng như Nhật Bản, có tỷ lệ tự sát cao nhất – 35,000 người/năm = 90 người/ngày. Sự giàu có của kinh tế không quyết định sự giàu có của tâm hồn.

Khao khát vật chất luôn tồn tại. Nhưng nếu bạn xây dựng đủ tự do tài chính thì những khao khát này sẽ không thống trị đời bạn. Những khao khát quan trọng hơn như sức khỏe, không stress, có nhiều thời gian cho bạn bè gia đình, cống hiến cho những việc ý nghĩa và phát triển cá nhân nên có ảnh hưởng lớn hơn đến những quyết định trong cuộc sống của bạn.

Mọi người đều cho rằng phần khó nhất là kiếm được thật nhiều tiền, sau đó mọi thứ sẽ được sắp xếp đúng chỗ. Chắc bạn biết rất nhiều người không hạnh phúc, dù có nhiều tiện nghi vật chất hơn bạn. Chắc bạn cũng biết nhiều người hạnh phúc, dù kiếm ít hơn bạn. Thực ra, tâm lý tài chính của bạn mới là phần cứng đầu hơn cả.

Sau khi bạn thoát khỏi vòng xoay cơm áo gạo tiền, rất dễ bị quyến rũ bởi việc cạnh tranh tài sản hay quá thoải mái với những tiện nghi vật chất. Cuộc vật lộn để đạt được tự do tài chính xảy ra cả ở bên ngoài và bên trong bạn: kiếm đủ tiền và rèn luyện kỷ luật tinh thần để giữ số tiền đó không kiểm soát bạn.

Ngưỡng chi phí sống thấp, tối ưu hóa chi tiêu, kiếm nhiều tiền nhất có thể, tự động hóa tài chính…là những chìa khóa để mở cửa một cuộc sống giàu có và ý nghĩa hơn.

13 Comments

  • Tùng Trần says:

    Mở hàng bài viết đầu năm mới nào 😀 Em tâm đắc nhất là ghi lại mọi khoản chi tiêu để cân đối và trả cho mình 10% trước.
    Mặc dù chưa thể đạt tự do tài chính nhưng năm 2012 được trải nghiệm cảm giác thu nhập 3 tháng lớn hơn chi tiêu cả năm cũng rất thú vị rồi 😀
    Cám ơn anh vì bài viết!

  • Bài viết quá hay, cám ơn anh Nhật rất nhiều!

  • cuongcoiktlc says:

    Bài này có rất nhiều điều để học hỏi, cảm ơn anh nhiều. Em đã hiểu tự do tài chính khác với giàu có như thế nào rồi

  • Ngọc says:

    hay, thu hút ^^

  • Tuấn Anh says:

    Nội dung sâu sắc và đi đúng vấn đề em đang cần. Thanks anh Nhật nhé!

    Em tự do tài chính rồi ^.^

  • Bài viết rất hay. Có khá nhiều thông tin hữu ích mình rút ra được ^^. Nhật có thể giới thiệu một số quyển sách về tài chính cá nhân được không? Cả Anh hay Việt đều được 🙂

  • Trần Thanh Huy says:

    Những bài viết của anh tuyệt vời quá anh Nhật ah.
    Nó sâu sắc, ngôn từ dễ hiểu, kiến thức dễ tiếp nhận do những ngôn từ quá đỗi thân quen.
    Phân tích rõ ràng, cụ thể, không giấu diếm.
    Đức tính tạo nên một con người thành công về vật chất và tinh thần.

  • Canh Huynh says:

    Bài viết rất hữu ích và có nhiều dẫn chứng thú vị.Kết thúc đoạn bằng những câu ngắn gọn nhưng hàm ý lớn.Cám ơn anh về bài viết hữu ích này.Chúc anh nhiều sức khỏe và duy trì trang blog này.Người có tâm ắc sẽ có tầm.Rất vui được biết trang phattriencanhanvn.

  • Free Man says:

    Quan trọng nhất là bạn phải làm được điều (2) và (3) ở mức cao.
    Bởi vì điều (1) rất khó đo lường. Và là con người thì mức độ ham muốn ngày càng cao, đặc biệt trong thời đại ngày này. Chúng ta không phải thiền sư để có thể tối thiểu hóa các nhu cầu (đi kèm theo đó là chi phí) của mình.
    Người thực sự tự do tài chính (và thời gian) là người có thể duy trì một cuộc sống 5* nhờ một hệ thống làm việc cho họ.
    Rất có thể bạn cho rằng mình tự hài lòng với một cuộc sống 2*, 3* hay thấp hơn. Nhưng tôi chắc rằng một người có sức khỏe và trí tuệ sẽ luôn mong muốn vươn lên một cuộc sống 5*. Đây mới là vấn đề …

  • nguyễn vẫn bốn says:

    5Dự án này rất hay có ai hiểu rõ hơn ko cho mình biết them

  • Randy Nguyen says:

    Bài biết của bạn rất hay, cám ơn đã chia sẻ. Mình xin được bổ sung thêm 1 ý nhỏ nữa là: 1 trong những điều quan trọng để tự do tài chính là phải biết phân biệt được Tiêu Sản (Asset) và Tiêu Sản (Liability).

    -Tài Sản là những thứ sẽ làm tăng thu nhập cho bạn (Income).
    -Tiêu Sản là những thứ sẽ làm tăng chi phí cho bạn (Expenditure).

    Câu hỏi mọi người thường hay đặt ra là: căn nhàcăn hộ mà tôi đang ở có phải là tài sản hay ko ? Chiếc xe Toyota mà tôi đang dùng có phải là tài sản hay ko ?

    Câu trả lời là KHÔNG. Nó điều là TIÊU SẢN. Vì sao ?
    Vì hàng tháng bạn phải trả những chi phí cho nó như: tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền đóng góp tổ dân phố, tiền phí vệ sinh, tiền gởi xe, tiền phí quản lý (đối với căn hộ). Với chiếc Toyata: tiền xăng, tiền đóng phí bảo hiểm, tiền phí bảo trì bảo dưỡng, tiền phí cho mấy anh công an nếu bị \”quắc dô\” 🙂 và vô vàn những chi phí ko tên khác nữa.

    NẾU NHƯ bạn cho thuê căn nhàcăn hộ mà bạn đang ở, bạn đi ra ngoài thuê 1 chỗ khác để ở thì sao ?

    Lấy vị dụ như: bạn cho thuê căn nhàcăn hộ được 12tr/tháng, bạn đi ra ngoài thuê 1 căn phòng trọ cao cấp 5tr/tháng có đầy đủ tiện nghi và nội thất.

    CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA TIẾP THEO ???

    Khi đó căn nhàcăn hộ của bạn đã chuyển từ Tiêu Sản thành Tài Sản. Vì Sao ?
    Vì hàng tháng người đi thuê căn nhàcăn hộ đó sẽ trả toàn bộ các chi phí kể trên và TRẢ CHO BẠN 12TR. Việc của bạn là nhận tiền sau đó trả tiền thuê phòng trọ 5tr và bạn đã có THU NHẬP THỤ ĐỘNG 7tr (Passive Income).

    Và nếu chi phí sinh hoạt 1 tháng của bạn là 6tr (tiền ăn, tiền quần áo, tiền cafe, tiền đi nhậu, tình phí, …)

    THÌ XIN CHÚC MỪNG, BẠN ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC SỰ TỰ DO VỀ TÀI CHÍNH.

  • Hong Trang says:

    Bài viết hay quá! Mình cảm nhận được sự uyên bác và tấm lòng nhân hậu của bạn trong đó. Cám ơn bạn về bài viết chia sẻ rất hữu ích này

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...