Skip to main content

Tiền nên mang lại niềm vui và sự tự do, không phải hoảng sợ, xấu hổ, tội lỗi.

Nhưng tiền từng làm tôi hoảng sợ, xấu hổ và tội lỗi. Mắt tôi đã in hình ảnh mẹ cặm cụi tính toàn từng hóa đơn, sột soạt viết sổ sách chi tiêu theo hai hàng thu-chi. Tai tôi vẫn nhớ tiếng đập cửa đe dọa gào thét của chủ nợ mỗi ngày Tết cận kề. Miệng tôi vẫn sộc vị đắng ngắt trước cuộc tranh giành tài sản thừa kế đến mức từ mặt nhau trong dòng họ.

Trong hành trình chinh phục nỗi sợ khác của bản thân, tôi bắt đầu bằng cách tốt nhất mà một con mọt sách biết: đọc sách. Ở tuổi đôi mươi, tôi đọc đến mòn gáy các cuốn sách “bí kíp” làm giàu, tự “da thịt trong cuộc chơi” thử nghiệm xuống tiền vào hàng loạt sản phẩm FinTech, ra ngân hàng “tra khảo” nhân viên xem các dịch vụ ngân hàng nào có lợi nhất cho mình, và café với các môi giới bất động sản và chứng khoản làm sao để gia tăng tài sản.

Hành trình đó đã dạy cho tôi những bài học “ahihi đồ ngốc” về tiền bạc. Nhưng quan trọng hơn, nó giúp tôi tổng hợp được thành khóa học Tài Chính Cá Nhân để chia sẻ với hơn 200 bạn học trong năm 2021 để giúp bạn hóa giải nỗi chán ghét chuyện tiền bạc và cơn nhức đầu khi đụng đến toán học.

Nhưng xin kể về workshop trong một dịp khác. Còn đây là 10 quy tắc riêng tư của tôi trên hành trình xây dựng cuộc sống giàu có của mình.

10 Bài Học (Của Tôi) Cho Cuộc Sống Giàu Có 

Tôi nhận ra rằng bước đầu tiên trong hành trình tự do tài chính không phải là cắm cúi học “đọc lệnh”, “thổi nến”, hay “lướt sóng”. Bước đầu tiên là nhận diện những rào cản tâm lý nào đang khiến mình “ở trong một mối quan hệ phức tạp” với tiền, tháo gỡ chúng, và thu nạp những niềm tin đúng đắn để đạt được mục tiêu tài chính của mình.

Dưới đây là 10 quy tắc tiền bạc tôi dùng làm la bàn để ra đa số quyết định tài chính:

  1. Một CUỘC SỐNG GIÀU CÓ nghĩa là dùng tiền để thiết kế cuộc sống.
  2. Tập trung vào NHỮNG CHIẾN THẮNG LỚN LAO thay vì NHỮNG CHIẾN THẮNG VỤN VẶT.
  3. Luôn có quỹ TIỀN MẶT dự phòng 6 tháng đến 1 năm. Tiết kiệm là THU NHẬP trừ đi CÁI tôi.
  4. Tiết kiệm 10%, đầu tư 20% tổng thu nhập thường niên.
  5. Có thể trả đủ cho những chi phí lớn trước khi xuống tiền, để chi phí không phải là yếu tố ảnh hưởng chính trong quyết định
  6. Tập trung vào những điều đơn giản hiệu quả, thay vì “bí mật triệu phú”
  7. Chi xả láng cho những thứ bạn yêu thích, cắt tàn nhẫn cho những thứ bạn không thèm quan tâm. Mua-và-giữ đồ chất lượng cho những gì hay dùng nhất.
  8. Không có giới hạn trần nào cho kiếm nhiều hơn, nhưng có giới hạn sàn cho tiết kiệm.
  9. Đầu tư nên rất nhàm chán – và sinh lãi cao – trong dài hạn
  10. Sống một cuộc sống ngoài bảng tính. Hãy xây dựng một hệ thống tài chính và để nó chạy trong khi bạn tận hưởng cuộc sống

Để tôi giải thích.

1. MỘT CUỘC SỐNG GIÀU CÓ có nghĩa là dùng tiền để thiết kế cuộc sống bạn mong muốn

Khi người khác hỏi

Mọi người đều giống nhau về số tiền mong muốn (100 tỷ) nhưng đó không phải là ước mơ. Ước mơ thực sự là sự tự do mà 100 tỷ mang lại. Bạn dùng tiền để thiết kế cuộc sống bạn mong muốn.

Khi nào thì bạn biết bạn sẽ giàu? Tôi biết mình đã chạm mốc giàu có khi đạt được các mục tiêu tài chính sau:

  • Để bố mẹ được nghỉ hưu không phải làm việc cực nhọc nữa. 60 triệu/năm.
  • Một cuộc sống thoải mái, đôi khi hơi xa hoa (tôi thích videogames và du lịch). 70 triệu/năm
  • Quyết định lựa chọn sự nghiệp vì tôi muốn, chứ không phải vì tiền. 3,000USD/tháng
  • Luôn xuất hiện với vẻ ngoài đẹp nhất. 10 triệu/năm
  • Theo học những kỹ năng tôi muốn với những người thầy giỏi nhất. 10 triệu/năm.
  • Du hành dọc USA trong 6 tháng. 6,000USD

Đó là những mục tiêu gợi cảm hứng và cụ thể với tôi. Thay vì hỏi, “Tiền nhiều để làm gì? Làm gì để nhiều tiền?” thì bạn hỏi, “Tôi muốn làm gì với cuộc đời mình – và tôi có thể sử dụng tiền để làm điều đó như thế nào?”

Tôi định nghĩa sự giàu có là xây dựng phong cách sống chứ không chỉ tích góp tiền bạc. Nếu bạn không chủ động định nghĩa sự “giàu có” của riêng mình, thì bạn dễ bị thụ động cuốn vòng xoáy cơm áo gạo tiền cho bằng bạn bằng bè theo những tiêu chuẩn xã hội hoặc những hình ảnh ảo lòi trên Instagram.

2. Tập trung vào NHỮNG CHIẾN THẮNG LỚN LAO thay vì NHỮNG CHIẾN THẮNG VỤN VẶT

Bạn đang đặt những câu hỏi 100 triệu hay 100 ngàn?

Bạn có dành hàng tiếng săn deal Shopee chỉ để tiết kiệm …50,000 đồng? Bạn có thức đêm khuya để săn vé máy bay giá rẻ tiết kiệm 200,000 đồng? Bạn có kỳ kèo trả giá 5,000 đồng bó rau ngoài chợ? Đó là những chiến thắng tài chính vụn vặt vì đặt ra những câu hỏi bạc lẻ.

Thay vào đó, có những câu hỏi lớn, thú vị hơn, trị giá 50~500 triệu như như sau:

  • Tỷ lệ tiết kiệm/đầu tư của bạn như thế nào?
  • Danh mục đầu tư của bạn đang được phân bố như thế nào?
  • Bạn muốn học lên cao cho ngành gì?
  • Bạn muốn phát triển sự nghiệp/ thu nhập ra sao?
  • Kế hoạch nuôi dạy con đến năm 18 tuổi như thế nào?

Giải quyết được những câu hỏi tài chính lớn đó, thì hằng tháng bạn có mua bao nhiêu ly trà sữa Phúc Long cũng được.

3. Luôn có quỹ dự phòng 6 tháng đến 1 năm. Tiết kiệm là THU NHẬP trừ đi CÁI tôi

Kỹ năng vĩ đại nhất của tôi luôn là chỉ muốn rất ít”, Henry David Thoreau, kỹ sư Harvard đã tự sự trong quyển sách kinh điển của văn học Mĩ: Walden. Walden ghi lại một năm thử nghiệm sống không vật chất của ông ở hồ Walden. Thoreau sống trong một căn nhà nhỏ-gọn-sạch tự xây, ăn rau củ tự trồng, cá từ hồ; một năm chỉ làm việc 6 tuần; tránh các chi phí không cần thiết như áo quần đẹp. Cách sống này để cho ông dư dật thời gian để theo đuổi những điều ông yêu nhất: đọc, viết, tản bộ, tư duy, và quan sát thiên nhiên.

“Một người sẽ giàu có tỷ lệ theo số lượng thứ anh có thể chịu để yên, Thoreau tin tất cả những sở hữu vật chất ngoài mức cơ bản là vật cản đến cuộc sống đích thực. Ông tán thành ý tưởng sự giàu sang không nằm ở cái bạn sở hữu mà ở cách bạn sử dụng thời gian. Hiểu không?

Dạ hiểu. Một điều làm tôi yên tâm tài chính là tôi luôn có quỹ dự phòng để sống 1 năm thoải mái mà không phải làm việc.

Để có quỹ dự phòng, tôi đã thay đổi ngưỡng chi phí sống để tăng tiết kiệm ròng. Tiết kiệm ròng là khoảng cách giữa THU NHẬP và CÁI TÔI. CÁI TÔI của bạn càng nhỏ thì bạn càng mau GIÀU SANG. Bạn tiết kiệm được nhờ chi tiêu ít hơn, nhờ bạn ít ham muốn hơn, nhờ bạn ít quan tâm tới người khác nghĩ gì hơn.

Tôi cũng tập sống tử tế hơn, ít phô trương hơn, và sở hữu vật chất ít hơn. Sở hữu càng nhiều đồ càng làm tôi căng thẳng. Không ai ấn tượng với sở hữu vật chất của mình nhiều như mình. Ngẫm mà xem. Bạn đạt được sự ngưỡng mộ và tôn trọng từ những người quan trọng với bạn bằng phẩm chất của bạn, hơn là sự phô trương tài sản. Cho nên hạnh phúc dựa trên nhu cầu thì tương đối (sở hữu vật chất), dựa trên giá trị thì tuyệt đối (phát triển bản thân).

Tôi vẫn có những thú vui xa hoa của riêng mình, nhưng tôi bớt bị dắt mũi bởi những làn song tiêu dùng. Từng làm “trai ngành” marketing giúp tôi thấy mặt khuất đằng sau sự hào nhoáng của đa số quảng cáo và trở thành người tiêu dùng thông minh hơn.

4. Tiết kiệm ít nhất 10%, đầu tư 20% thu nhập thường niên

Tiết kiệm đi. Bạn không cần lý do cụ thể gì để tiết kiệm. Tiết kiệm cho những thứ không thể đoán trước, những tình huống xui rủi “trộm vía”, những ngày mưa,… là lý do đủ tốt để tiết kiệm rồi.

Đầu tư đi. Đừng nghĩ rằng bạn có thể chờ hay bạn vẫn còn thời gian. Trì hoãn sẽ GIẾT DẦN GIẾT MÒN tiền của bạn theo lạm phát. Bắt đầu ngay sẽ NUÔI DƯỠNG tiền của bạn theo lãi kép.

Mọi người ai cũng biết muốn giàu thì nên tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn. Cái bạn thiếu thường là một hệ thống tài chính tự động để hằng tháng dòng chảy tiền mặt trôi đến đúng kênh tiết kiệm và đầu tư, giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính mà không phải nhọc công suy nghĩ.

5. Có thể trả đủ cho những chi phí lớn trước khi xuống tiền

Tuy mỗi người đều đặc biệt, nhưng về tài chính thì ta có những khoản chi tiêu lớn giống nhau:

  • Bạn sẽ cưới
  • Bạn sẽ mua nhà
  • Bạn sẽ mua xe (2 bánh hoặc 4 bánh)
  • Bạn sẽ nuôi con
  • Bạn sẽ học cao hơn

Với những khoản chi tiêu quan trọng này, hãy tiết kiệm đủ tiền để tiền không phải là yếu tố ảnh hưởng chính trong quyết định của bạn.

Câu hỏi hay hơn là, bạn biết đằng nào thì bạn cũng sẽ phải dành chi phí cho các khoản trên, sao không chủ động lên kế hoạch ngay từ bây giờ?

6. Tập trung vào những điều đơn giản hiệu quả, thay vì “bí mật triệu phú”

Xui rủi là ngành tài chính hiện là một đống hỗn độn khó hiểu của quảng cáo thổi phồng, chuyện hoang đường, tin đồn rùm beng, hay lừa dối trắng trợn. Nhiều người tìm kiếm câu trả lời “cao cấp, chiến lược, bí mật, thủ thuật” để tránh công việc khó khăn của cải thiện cơ bản từng-bước-một. Nhiều người dành quãng thời gian dài đằng đẵng để nghiên cứu danh mục đầu tư tốt nhất Trái Đất hơn là bắt tay hành động. Mơ ngủ trên đống vàng thì dễ hơn là đầu tư đều đặn mỗi tháng.

Tôi tin rằng đa số chúng ta không cần “chuyên gia tài chính” để giúp mình giàu hơn. Hiểu cơ bản và hành động đều đặn có kỷ luật mới chính là “chìa khóa bí mật” đến giàu có. Cũng như bạn, tôi đã nghe bao nhiêu lời khuyên 3 xu về tiền bạc trên mục tâm sự VnExpress, tham gia vài lớp Làm Giàu Không Khó, Bí Mật Tư Duy Triệu Phú, đọc mòn gáy các cuốn sách Nghĩ Giàu Làm Giàu, Cha Giàu Cha Nghèo, Người Giàu Nhất Thành Babylon,

Cho đến một ngày tôi đọc được cuốn sách Tâm Lý Học về Tiền, thì tôi mới vỡ lẽ ra một nhận thức quan trọng. Tài Chính Cá Nhân thì ít nhất 50% là kỹ năng mềm. Cái bạn LÀM quan trọng hơn cái bạn BIẾT.

Quản lý tiền giỏi liên quan không hề NẶNG đến việc bạn thông minh cỡ nào và liên quan không hề NHẸ đến hành vi của bạn. Và hành vi thì khó dạy, ngay cả đối với những người thông minh. Thiên tài mất kiểm soát cảm xúc có thể là thảm họa tài chính. Người bình thường không được giáo dục về tài chính vẫn có thể giàu có NẾU họ có những kỹ năng hành vi với tiền bạc hữu ích, mà thường không liên quan gì đến các thước đo chuẩn mực về trí thông minh.

Nhưng tài chính cá nhân có thể đơn giản như một nụ hôn (KISS- Keep it short and simple). Bạn không cần bằng toán học và 10 năm kinh nghiệm chơi chứng khoản để hiểu, bạn chỉ cần:

  • 1 tài khoản ngân hàng (giao dịch & tiết kiệm)
  • 1-2 thẻ tín dụng
  • 30 phút cân đối chi tiêu mỗi tháng
  • Tự động đầu tư vào quỹ chỉ số
  • Chọn 1-2 lĩnh vực để tiết kiệm chi phí
  • Chọn 1-2 lĩnh vực để chi tiêu NHIỀU hơn

Thế là đủ.

7. Tiêu dùng ý thức là chi xả láng cho những thứ bạn yêu thích, cắt tàn nhẫn cho những thứ bạn không thèm quan tâm.

Lời khuyên nào bạn hay nghe nhất khi nói đến chi tiêu? “Không! Tiết kiệm đi! Bớt mua lại”. Bạn có bao giờ cười ruồi trước những lời khuyên ba xu trên các trang báo như “không phí tiền cho trà sữa/tarot/ăn vặt, tôi mua được nhà 3 tỷ trước tuổi 30” chưa? Chúng đều lạc đề vì bỏ qua giá trị tiêu dùng của bạn, ai cũng khuyên TIẾT KIỆM tiền hay ĐẦU TƯ tiền, nhưng không ai dạy bạn cách XÀI TIỀN.

Tôi tin một cuộc sống giàu có là dùng tiền để mua hạnh phúc. Nếu tiền không mua được hạnh phúc thì mình đang dùng tiền sai rồi. Tiêu tiền như nước hay chi li từng đồng cắc bạc đều là hai đầu lưỡi dao đẩy bạn đến bờ vực tự sát tinh thần. Tìm được sự cân bằng ở đó chính là tiêu dùng ý thức.

Tiêu dùng ý thức tức là:

  • Xác định “tiếng gọi đồng tiền” của bản thân: giá trị con người của bạn và chi tiêu có khớp với nhau chưa?
  • Chọn 3 khoản bạn sẽ cắt giảm để hạnh phúc hơn (mà không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống)
  • Chọn 3 khoản bạn sẽ chi nhiều hơn để hạnh phúc hơn (mà “spark joy” với bạn)
  • Chọn 3 thí nghiệm chi tiêu để thiết kế cuộc sống giàu có của bạn.

À vậy là càng hiểu rõ nhu cầu của mình và có kiến thức tiêu dùng chừng nào thì mình càng có những khoảnh khắc “đáng đồng tiền bát gạo” chừng đó? Đúng thế. Hơn nữa, khi chi tiêu xả láng cho những gì bạn yêu thích và cắt tàn nhẫn cho những gì bạn không thích, thì thói quen chi tiêu mới của bạn sẽ bền vững hơn cái gì cũng ham hoặc cái gì cũng cắt.

8. Không có giới hạn trần nào cho kiếm nhiều hơn, nhưng có giới hạn sàn cho tiết kiệm.

Thế hệ trước thường khuyên “Tiết kiệm” mà ít nói đến “Đầu tư”. Vì thời ông cha ta không có những công cụ tài chính như hiện nay. Nhưng tiết kiệm không còn là quốc sách.

Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc khi đàm phán lương thành công và thấy con số chảy vào tài khoản ngân hàng nhân đôi. Đó là cảm giác khai phóng khi ý thức mình có “đủ” tiền để thèm món gì thì Grab món đó hay đi siêu thị thích gì thì bỏ vào giỏ mà không cần nhìn giá. Tôi không còn là câu hỏi lo lắng căng thẳng, mà là câu hỏi về làm gì cho đi chia sẻ phát triển.

Sau khi bạn đã sắp xếp những chiến lược “phòng thủ” để tiết kiệm tiền, thì bước tiếp theo là tìm những chiến lược “tấn công” để kiếm nhiều tiền hơn. Tấn công tức là tạo ra giá trị và được trả tiền cho giá trị đó, bất kể bạn định nghĩa giá trị là gì.

9. Đầu tư nên rất nhàm chán – và sinh lãi cao – trong dài hạn

Bạn thường nghe các “chuyên gia” phán không ngừng nghỉ về nền kinh tế và những cổ phiếu “nóng phỏng tay” (“Cổ phiếu này sẽ tăng!” “Không phải, xuống!”) – dù họ chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm về lựa chọn sai lầm (sai hơn một nửa). Bạn thường nghe người xung quanh tranh luận rôm rả về cổ phiếu, tiền kỹ thuật số hay lô đất họ mua, bán, lướt sóng tuần trước.

Tôi thường nghe một nỗi sợ phổ biến từ người chưa bao giờ đầu tư: nhiều thông tin quá, mình nên bắt đầu từ đâu? Ngay cả những “con sói già phố Wall” còn không thể thắng thị trường, tại sao tôi nên đầu tư?

Câu trả lời thì đơn giản như một nụ hôn. Thay vì mỗi ngày đều vào đọc dự báo thị trường, hóng tai nghe “chuyên gia” dự đoán, canh thời điểm “lướt sóng”, tập “đọc lệnh”, rèn “thổi nến”… thì tôi chỉ bỏ tiền vào danh mục đầu tư thụ động, quên nó đi, và dành thời gian tận hưởng cuộc sống.

Vì con người không muốn một chiến thuật đầu tư tối ưu về lợi nhuận (toán học) mà muốn một chiến thuật đầu tư để ban đêm yên tâm ngủ ngon (tâm lý). Hết lần này đến lần khác trong những cuốn sách tài chính cá nhân hiện đại, “đầu tư thụ động vào các quỹ chỉ số” là lời khuyên phù hợp nhất với đa số nhà đầu tư cá nhân. Và nó không cần bạn có bằng Tiến Sĩ Toán Học đâu.

10. Sống một cuộc sống ngoài bảng tính

Hay bảng VN-Index, bảng cryptocurrency, bảng forex. Nhiều người có kiến thức tài chính bị ám ảnh với từng thay đổi nhỏ trong bảng chi tiêu, nghiện theo dõi từng biến động trong bảng chỉ số thị trường, hay chạy những mẫu dự đoán lời lỗ xem khi nào có thể FIRE “độc lập tài chính nghỉ hưu sớm”. Làm vậy thì “ba chữ lắm”: mệt LẮM, kỳ LẮM, mà nhất là không cần thiết LẮM.

Điều hiệu quả nhất tôi đã làm để bắt tiền làm việc cho mình là xây dựng một hệ thống tự động hóa. Con người hay dựa vào ý chí hay “động lực” để kiểm soát hành vi. “Không, tôi không mua iPhone mới”, “Không, tôi không ăn vặt nữa đâu”. Nhưng tâm lý con người không hoạt động như thế (Logic thường thất bại), cách đáng tin cậy hơn là Tự Động Hóa và Hệ Thống.

Sau 10 năm thử nghiệm, lăn xả với những cơ hội tích lũy, đầu tư và tiêu dùng có trên thị trường, cho đến hiện tại tôi đã thiết lập một hệ thống quản lý tài chính tự động và ổn định. Trong khi hệ thống vận động “tự thân”, tôi dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống ngoài bảng tính, giải phóng đầu óc khỏi những con số để trau dồi bản thân và thực hiện những mục tiêu quan trọng khác.

Hãy xây dựng một hệ thống tài chính và để nó chạy trong khi bạn tận hưởng cuộc sống

Cá Nhân trong Tài Chính

Đây là 10 bài học hiệu quả với tôi. Nó giúp tôi tạo đa nguồn thu chủ động và thụ động. Nó giúp tôi xây dựng hệ thống tài chính tự động chỉ mất 1 tiếng bảo trì mỗi tháng. Giờ đây, tôi độc lập, tự do và hạnh phúc khỏi những căng thẳng tủn mủn về tiền.

Nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất là điều này.

Nếu bạn không hài lòng với tài chính của bạn và bạn sẵn sàng nhìn thẳng vào gương, bạn sẽ tìm thấy một sự thật không chối cãi được: vấn đề và giải pháp, chính là bạn. Ý tưởng này rất xa lạ với tụi “bán than”, tụi này có phản ứng tự nhiên khi bị yêu cầu thay đổi hoàn cảnh là tìm lý do bào chữa tại sao không làm được. Phải, bạn có thể không có thời gian hoặc không biết cách, nhưng phần thưởng rất đáng nỗ lực bỏ ra. Phải, ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty và nhà nước sinh ra để hưởng lợi từ bạn, nên bạn cần học chiến thuật để cân bằng cuộc chơi. Phải, đổ lỗi cho các tác nhân ngoại cảnh như chính sách kinh tế hoặc thu nhập bình quân đầu người thấp ở Việt nam cũng là một xu hướng.

Một khi bạn hiểu điều đó, bạn mới có thể bắt đầu chủ động thiết kế tài chính như mong muốn.

Trong tài chính cá nhân, cuộc chiến khó khăn nhất là cuộc chiến trong tâm trí.

Chúc bạn giàu hơn sau bài viết này.

Meme: tự chế, không chôm từ Internet.

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...