Skip to main content

Sự khác biệt giữa công việc và sự nghiệp là sự khác biệt giữa làm việc 40 tiếng và 60 tiếng một tuần – Robert Frost

Bạn đang kiếm công việc sau khi tốt nghiệp? Không! Bài viết này không chỉ bạn tham gia bán hàng đa cấp. Bài viết này không chỉ dành riêng cho những bạn siêu giỏi hay siêu đẹp. Những bạn bình thường và luôn có khát khao kiếm việc chân chính sẽ tìm thấy những điều hữu ích từ bài viết này.

Đây không phải là cuộc đua dành số lượng công việc. Có 10+ công việc không phải là mục đích. Đây là bằng chứng người trẻ có thể có nhiều cơ hội nghề nghiệp ngay khi mới ra trường. Đây là bằng chứng rằng người trẻ hiện nay có thể làm chủ thời gian hiệu quả, biết rõ mục tiêu và đam mê.

Khát Khao Chân Chính

Sài Gòn đây rồi. Mình sẽ làm cái này mình sẽ làm cái kia. – Lê Võ Tiền Giang, game designer tại Gameloft

Hầu như những người trẻ khi đặt chân đến một môi trường mới đều không khỏi phập phồng và rung lên nguồn năng lực bởi những hoài bão cháy bỏng đang đập trong tim. Muốn có việc làm thêm là một khát khao chân chính. Tháng đầu tiên lãnh được đồng lương tự mình làm ra là kỷ niệm tuổi trẻ. Không nhiều lắm nhưng sao không thể dập tắt cái mặt ngước cao kiêu hãnh thấy ghét, cái ý nghĩa chà dường như ta đã lớn lên, tầm vóc của ta đang cao lên…

Chỉ là, để tận hưởng cảm giác ngọt ngào đó, bạn cần phải có việc trước. Xin việc có thể trở thành khoảng thời gian căng thẳng nhất. Bao nhiêu bạn phải vật vã sống trong trầm cảm. Không đùa đâu, bạn có thể nhốt mình trong nhà cày hết bộ phim này đến bộ phim khác, đập đầu vào gối, uống Cocacola với Mentos…trong khi chắp tay cầu nguyện chờ một cú điện thoại từ nhà tuyển dụng.

Tại Sao Không Ai Thuê Bạn?

Hồ Chí Minh, mùa xuân năm 2010. Một thời kỳ sôi sục, tự do và thoải mái.

Ánh đèn đêm phủ lên một chàng trai trẻ lang thang với câu hỏi lớn trong đầu: “Tại sao không ai thuê tôi? Làm sao để có việc làm?”. Không đùa đâu, bạn học toàn A+, sinh viên ngoan hiền không cúp học bao giờ, tiếng Anh giao tiếp ở mức độ kinh doanh, thông thạo máy tính, kỹ năng cứng-mềm đầy đủ. Bạn cảm thấy mình xứng đáng hơn mức lương 2,000,000 tại bất kỳ nơi nào mình làm việc. Tại sao không ai thuê bạn? Ánh mắt của một người trẻ buồn bã cô đơn và còn rất nhiều điều phải học phản chiếu trong đèn xe.

Bạn đã thử một số thứ để thoát khỏi tình trạng rỗng túi vào mỗi cuối tháng. Từ làm survey trên mạng, viết báo, bán hàng, môi giới bất động sản đến dạy trẻ nhỏ. Nhưng bạn không thể thúc đẩy nhiệt tình với những công việc không phù hợp với giá trị của bản thân.

Bạn nhìn vào những người đi trước. Thất nghiệp. Trái ngành. Bị bóc lột sức lao động. Làm trong môi trường cạnh tranh đấu đá dèm pha tiêu cực. Họ thấy ghét cuộc đời ngay khi mới đặt chân ra khỏi cổng trường đại học. Bạn đánh đổi bằng 4 năm ròng rã để chuẩn bị cho điều này ư? Tại sao giáo viên không chỉ bạn cách kiếm việc trong thời buổi suy thoái kinh tế?

Kiếm Việc Theo Cách Cũ: Những Gì Người Khác Bảo Bạn

Đại Nhật, năm 2011, sau khi tốt nghiệp và sẵn sàng đón nhận nhiều thử thách mới

Đại Nhật, năm 2011, sau khi tốt nghiệp và sẵn sàng đón nhận nhiều thử thách mới

“Có việc gì thì làm đi” trở thành câu nói cửa miệng của bạn bè quanh bạn. Điều đó có nghĩa là bạn phải chấp nhận rửa chén và bưng bê phục vụ với mức lương bèo nhèo chỉ có 10.000VND/giờ và phải làm gần 6 tiếng mỗi ngày. Bạn phải tham gia bán thứ mỹ phẩm kém chất lượng? Bạn phải chấp nhận làm từ 9-5 trong khi vẫn còn phải đi học? Bạn phải chấp nhận môi trường làm việc tiêu cực quan liêu? Làm một công việc không phù hợp với bạn là cách dễ nhất để đi đến quyết định lấy súng và cho đầu mình một viên.

“Thời buổi kinh tế khó khăn, làm gì có việc tốt, LOL”: Luôn luôn có việc tốt, bạn chỉ tìm sai chỗ thôi. Khi một công ty bị phá sản luôn có một công ty khác mọc lên.

“Lên mạng và trang đăng tuyển kiếm việc”: Có một câu nói vui: Những trang đăng việc giống như quán bar. Chỉ có một vài chàng/nàng thật sự bốc lửa. Đa số còn lại chỉ trung bình. Những công việc đăng tuyển dụng trên mạng cũng vậy: trung bình. Những công việc tốt nhất bạn có được là nhờ mạng lưới quan hệ bạn đã gầy dựng. Hỏi giáo viên, bạn của giáo viên, hỏi bạn của mẹ bạn, của mẹ của bạn bạn. Những mối quan hệ là chiến thuật hay nhất, ít tốn thời gian và công sức của bạn nhất khi tìm việc.

“Lớp trẻ sẽ chiếm chỗ của lớp đi trước”: Điều này đúng nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc và ham học hỏi.Còn lại, đừng cạnh tranh với những người 30 tuổi cũng đang kiếm việc như bạn! Kinh nghiệm quản lý, sự sành sõi đời, các mối quan hệ rộng của họ sẽ nghiền nát bạn ở các vị trí trả lương cao. Bạn trẻ thường chưa có tâm lý làm việc, ước mơ cao xa và muốn được làm sĩ quan ngay khi ở trình độ binh nhì.

“Viết hồ sơ đẹp vào”: Hồ sơ của bạn trẻ nào cũng giống nhau. Vài trang giấy A4, font chữ 12pt, Times New Roman, một hình chân dung. Đừng ghi kỹ năng giao tiếp tốt và thành thạo vi tính văn phòng vào. Chúng không phải là ưu thế cạnh tranh của bạn. Ưu thế của bạn là đây: Linkedln (Tôi sẽ nói về vấn đề này sau).

Nhưng Bạn Đã Thử Cách Này Chưa?

Không phải loài vật mạnh nhất hay thông minh nhất sẽ tồn tại, mà là loài biết thích nghi nhất – Charles Dawin

Bạn viết hồ sơ xin việc. Bạn soạn lá thư giới thiệu. Bạn quăng bom đại trà, bắn rãi hồ sơ như súng tiểu lên đến mọi công ty đăng tuyển trên báo và trên www.vietnamworks.com. 2 tay chắp trước ngực hy vọng sẽ nhận được một vài cú điện thoại phỏng vấn.

Một thời gian sau không có hồi âm. Cú điện thoại duy nhất lại là của một công ty bán hàng đa cấp. Email hồi âm nếu có sẽ tựa như thế này: Cám ơn bạn đã đến dự buổi phỏng vấn. Hiện nay các vị trí tại ABC đang kín. Chúng tôi đã lưu giữ hồ sơ của bạn và sẽ liên lạc khi cần thiết..

May mắn bạn được nhận việc. Nhưng hóa ra lại trái ngành hoặc vị trí thấp. Bạn học kỹ thuật nhưng đang làm bất động sản. Nhanh thôi, bạn sẽ thấy mình đang làm những công việc bạn không đam mê, với những người bạn không quan tâm, học những thứ mình không thích. Stress công việc hút vãi cả linh hồn bạn.

Sự thật phũ phàng là hồ sơ của bạn có thể đã được ông chủ lấy làm giấy xì mũi và ném vào sọt rác…Đùa đấy, các công ty có bộ phận HR tốt đều lưu lại hồ sơ ứng cử viên. Trong một công ty, HR là bộ phận được thành lập cuối cùng và phải ra đi đầu tiên. Những công ty Việt Nam nhỏ lẻ không có HR thì ông chủ sẽ kiêm luôn việc tuyển dụng…Có khi tập giấy hồ sơ của bạn đang được tái chế lại trong khi bạn đọc bài viết này…

Sự thật phũ phàng là cách mà những người khác chỉ bạn kiếm việc thường kém hiệu quả. Điểm số cao không quan trọng đến như vậy. Hồ sơ xin việc không quan trọng đến như vậy. Thực tập cũng không quan trọng đến như vậy.

Làm Cách Nào Để Có 7+ công việc?

Chuyện gì xảy ra nếu bạn được làm công việc mình yêu thích? Mỗi người trong chúng ta đều muốn được làm một công việc mình thực sự quan tâm và sống một cuộc sống không bị rào cản bởi một công việc chết tiệt. Mỗi người trong chúng ta đều muốn thức dậy háo hức cho công việc trước mắt và đi ngủ về đêm với cảm giác tự hào không dấu giếm.

Trong vòng 3 tháng sau khi ra trường, tôi có 7 công việc cùng một lúc. Được làm những việc mình quan tâm với những người mình muốn học hỏi, điều này không bình thường cho một sinh viên mới chỉ có bằng cao đẳng.

Để có một công việc khác biệt, bạn phải có cách xin việc khác biệt. Hành động giống như bạn bè của bạn cũng sẽ khiến bạn có kết quả giống như họ. Những áp dụng thành công cho mình và người khác đã giúp tôi phát hiện ra rằng bất kỳ bạn trẻ nào tuổi tôi cũng có thể có được việc nếu áp dụng đúng chiến thuật.

Bạn có muốn làm nghề (Ăn) Hàng (Ở) Không mãi? Bạn có muốn chấm dứt nghề báo (đời)? Nếu bạn chưa sẵn sàng làm việc, thì hãy lưu bài viết vào đợt sau. Sẽ có lúc bạn cần dùng đến.

Nếu bạn muốn có việc ngay bây giờ! Vậy thì tiến lên! Sử dụng mạng lưới quan hệ của bạn! Những người thân của bạn hiểu, tin tưởng và sẵn lòng giúp đỡ bạn kiếm một công việc ngon lành chứ không như những trang đăng tuyển dụng khi bạn chỉ là một hồ sơ vô danh. Nhờ ba mẹ bạn hỏi bạn bè. Nhờ bạn bè hỏi ba mẹ họ. Nhờ thầy giáo. Nhờ sếp cũ. Tiếp tục hỏi thăm thường xuyên xem mọi người có thông tin gì hay không. Bạn có thể gửi mẫu email sau đến mọi người:

Thân gửi ____,

Bạn khỏe không?

Như bạn biết, mình đang rất muốn kiếm vị trí/công việc ____ trong ngành ____. Mình chuyên ngành _____, đây là 3 kỹ năng và kiến thức cụ thể mình giỏi:

  • _____
  • _____
  • _____

Bạn có thể tư vấn và giới thiệu giúp mình 3 công việc phù hợp được không? Đính kèm là hồ sơ của mình, nếu bạn không có thời gian thì xin giúp mình forward đến 3 người bạn nghĩ là sẽ quan tâm nhé. Chân thành cảm ơn bạn.

Để tiện, bạn có thể hồi âm theo mẫu sau nhé:

3 công việc mình nghĩ phù hợp với bạn là:

  • _____ Liên lạc (Email, Tel): _____
  • _____ Liên lạc (Email, Tel): _____
  • _____ Liên lạc (Email, Tel): _____

Bạn có thể gửi email, để message trên facebook. Vấn đề là nhiều người lớn tuổi không xài facebook. Hãy gọi điên thoại vài ngày sau đó để tiếp nối. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết người ta thèm có dịp giúp đỡ bạn như thế này. Bao nhiêu người hằng ngày không ai thèm nhờ vả hay hỏi ý kiến của họ. Việc bạn chủ động hỏi đã khiến bạn khác biệt với 90% sinh viên đồng lứa. Bạn năng động, chủ động, lịch thiệp! Bạn là người mà nhà tuyển dụng cần!

*Update: Hiện nay tôi chỉ làm 2-3 công việc một lúc để dành thời gian phát triển bản thân nhiều hơn.

10 Comments

  • Thanh says:

     biết Nhật từ mấy năm trước,không ngờ nay lại ấn tượng như vậy

  • Đây chỉ là chuyện bình thường thôi. Người ta làm được mình làm được. Vấn đề là những bạn không phải dân kinh tế thường kém khoản xin việc, viết hồ sơ hay tự marketing bản thân.

  • Le Anh Dung says:

    Em rất thích bài viết này của anh ! Không biết khi nào có thể đọc được bản tiếp theo của bài viết này nhỉ ^^
    Cám ơn anh Nhật nhiều !

  • toanthang says:

    e rất thích những người dám nghĩ dám làm. Bài viết của a rất hay, hi vọng sẽ được trao đổi nhiều với a.

  • says:

    Bài viết này tác động rất nhiều đến tôi, 1 tư tưởng mới lần đầu được tiếp cận
    Hàng tháng mình vẫn quay lại đọc bài này
    Cảm ơn tác giả 😀

  • Nguyễn Văn Thắng says:

    Rất tuyệt vời!!!

  • vu says:

    mong chờ bài viết tiếp theo của anh.

  • tu bep says:

    Làm 1 lúc 2-3 công việc không phải là chuyện dễ.Đầu tiên phải trang bị kiến thức vững vàng tạo niềm tin cho nhà tuyển dụng.Cảm ơn anh về bài viết này.

  • Tuấn Linh says:

    Thấy đồng cảm khi anh nói :\”Không phải để khoe khoang, tôi liều lĩnh thực hiện cách trên như một thử nghiệm kiểm tra giới hạn quản lý thời gian và quản lý stress của mình.\”
    Bản thân mình cũng đã từng kiểm tra giới hạn quản lý thời gian và stress bằng việc nhận đi dạy thêm( việc mà mình nghĩ sẽ không bao giờ làm vì chẳng có được lợi ích, kinh nghiệm gì cho bản thân trừ khoảng tiền học phí), tạo lập và làm admin một trang fanpage(sẵn tiện PR cho fanpage của mình luôn: Xem24/7), tham gia CLB và bên cạnh đó vẫn đạt được kết quả cao trong học tập ( việc đạt điểm số cao một phần để cho thấy mình có kiến thức, coi trọng kiến thức( dẫu biết rằng bằng cấp tốt cũng chỉ giúp được hồ sơ của mình sẽ không nằm trong sọt rác) nhưng phần lớn là để chứng tỏ rằng mình luôn cố gắng làm tốt nhất mọi việc mình làm và quản trị được bản thân ở mức độ nào đó! Và kết quả của việc thử thách bản thân trong khoảng thời gian giữa năm 1 và đầu năm 2 của mình cũng không tồi tí nào :).Hy vọng trong tương lai sẽ có cơ hội thử thách bản thân hơn nữa như 7+ công việc mà anh đã và đang làm. Bài viết của anh rất thú vị, hy vọng sẽ được làm quen với anh !

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...