Luôn có hai người: sư phụ, và học trò. – Yoda, Star Wars
Format chương trình của The Voice, The Apprentice hay So You Think You Can Dance có gì giống nhau: những thí sinh luôn có người sư phụ/người hướng dẫn trong từng chặng đua, và tiến bộ rất nhanh.
Chúng ta đều tìm ai đó để dạy cho mình những chiêu thức cần thiết để chiến thắng trong cuộc sống, những quy tắc ứng xử cao thượng, những con đường của người xuất sắc. Đó là lý do chúng ta tìm nhau để học hỏi. Nhưng đâu là cách để thiết lập mối quan hệ thầy-trò tốt nhất?
Học nghề.
Học nghề là một môn nghệ thuật bị thất lạc trong thời buổi ham kiếm tiền nhanh. Việc học nghề có rất nhiều lợi ích cho cả học trò và sự phụ. Một đội thầy-trò có thể đạt rất nhiều thành tựu – và học được rất nhiều trong tiến trình.
Đừng nhầm lẫn học nghề với thực tập. Người thuê nghĩ anh đang ban ơn cho thực tập viên, nhưng anh không tin tưởng thực tập viên làm bất kỳ công việc gì thông minh, sâu sắc đáng nói. Để công bằng, hầu hết thời gian người thực tập bận trốn đi, không vồ lấy trách nhiệm mà lại cư xử như khi còn đang học, né những việc vất vả và cố gắng đạt điểm cao.
Những công ty lớn, thường có hệ thống quan liêu không biết phải làm gì với những người muốn học việc. Một số người khác thường lợi dụng cơ hội này triệt để. Nhưng bạn sẽ bất ngờ khi biết có rất nhiều công ty năng động và những cá nhân có tầm ảnh hưởng rất sẵn lòng nhận học trò, miễn là điều này giúp hoàn thành công việc tốt hơn.
Đừng nhầm lẫn học trò với trợ lý cá nhân. Trợ lý cá nhân là để bạn giao phó làm bất kỳ những việc nào bạn không thích, không giỏi, không quan tâm. Học trò là để bạn rèn giũa kiến thức và kỹ năng cho những việc bạn yêu thích, làm giỏi, và quan tâm để cải thiện hiệu suất của cả hai.
Người học trò được gì? Kinh nghiệm tuyệt vời kèm một hồ sơ lung linh thật sự có ý nghĩa. Không lạ sao khi chúng ta sẵn sàng bỏ ra 50 triệu đồng để mua một bằng-cấp-đẹp-đẽ-nhưng-rồi-cũng-vô-dụng để trang trí hồ sơ, nhưng lại ngần ngại học nghề thực sự vài tháng để thu một đống kinh nghiệm vô giá?
Định nghĩa “Sư phụ” rất rộng: nếu bạn có vài năm kinh nghiệm trong một lĩnh vực, bạn đã làm chủ được những kỹ năng cần thiết hoàn chỉnh hơn rất nhiều so với một lính mới. Trong việc dạy bạn sẽ học. Trong việc học bạn sẽ dạy. Học nghề là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi – học trò và sư phụ đều cải thiện được tay nghề của mình.
Giá Trị Của Việc Học Nghề
Dưới đây là những ghi chép ngắn về giá trị của việc học nghề:
Ích lợi của việc học nghề với học trò:
- Tiếp xúc: Làm việc với một chuyên gia trong một dự án thực tế có thể cung cấp cho bạn dịp tiếp xúc với những cơ hội mới , kỹ năng, và con người rất nhanh chóng.
- Kinh nghiệm. Việc học nghề yêu cầu người học trò phải “nhúng tay vào chàm”, có nghĩa là bạn sẽ trực tiếp nhận được vô khối kinh nghiệm trong nghề trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu bạn muốn làm chủ một kỹ năng mới, không có cách nào tốt hơn xắn tay áo lên và làm ngay.
- Thực hành. Làm việc thực tế (thay vì nghiên cứu tình huống lý thuyết hoặc bài tập về nhà) và thực hành liên tục là cách duy nhất để phát triển chuyên môn. Làm việc dưới một bậc thầy là cách tốt nhất để thực hành một cách hiệu quả, vì người thầy sẽ có thể chia sẻ kinh nghiệm dày dặn của họ và sửa chữa những sai lầm non nớt của bạn.
Ích lợi của việc học nghề với sư phụ:
- Giao phó: Thêm đầu thêm tay thêm chân sẽ giúp bạn giải quyết mọi việc nhanh hơn. Bằng cách đào tạo học trò, bạn tăng năng suất hoàn thành công việc. Bạn càng đào tạo giỏi, học trò càng hỗ trợ bạn được tốt hơn.
- Phân tích: Khi quá quen tay làm, hầu hết kiến thức của bạn sẽ ẩn sâu trong tiềm thức – bạn biết cách làm như thế nào, nhưng bạn không giải thích được tại sao bạn lại làm như vậy. Trong quá trình dạy học, bạn sẽ vật chất hóa kiến thức bên trọng đầu bạn ra thế giới bên ngoài – biểu đồ, mô hình, quy trình, vốn dễ dàng để xem xét và cải thiện.
- Tái cấu trúc: Bằng cách dạy quy trình và kỹ năng cho học trò, những vấn đề ẩn giấu và những điểm kém cỏi dần trở nên rõ như pha lê. Và học trò có thể giúp bạn cải thiện hệ thống làm việc, bạn đạt hiệu quả cao hơn với công sức bỏ ra ít hơn.
Trở ngại của việc học nghề với học trò:
- Thời gian thâm canh. Văn hóa fast-food đã đẻ ra những khóa đào tạo ăn liền. Nhưng những cơ hội học nghề tốt nhất sẽ đòi hỏi rất nhiều về thời gian và nỗ lực. Hoàn thành một khóa học nghề sẽ yêu cầu bạn phải hoãn những dự án và vấn đề cuộc sống khác trong suốt thời gian học việc.
- Ít quyến rũ. Học trò thường phải làm việc vặt ít thú vị và thỏa mãn – chạy giấy tờ, sắp xếp tài liệu. Tuy nhiên, những công việc cơ bản này rất quý báu và cần thiết – ngay lập tức giúp sư phụ của bạn tăng năng suất để thảnh thơi tổng hợp kiến thức dạy bạn, và chúng giúp bạn làm quen với những công việc hằng ngày trong lĩnh vực bạn muốn thâm nhập. Lưu ý, những sư phụ tốt nhất sẽ không ép học trò làm những gì mà ngay cả chính sư phụ cũng không muốn làm.
- Không sinh lợi trực tiếp. Việc học nghề không phải là con đường trực tiếp đến giàu có. Sư phụ thường chỉ trả đủ sống để bạn có thể yên tâm học việc. Lợi ích lớn nhất của việc học là kiến thức và kinh nghiệm, không phải tiền bạc. Một người học trò giỏi có thể kiếm được rất nhiều tiền sau khi học, nhưng đó là lợi ích gián tiếp của việc học nghề.
Trở ngại của việc học nghề với sư phụ:
- Quá tải giao tiếp: Sư phụ sẽ có ít thời gian làm việc lại và phải dành nhiều thời gian giao tiếp với học trò hơn. Sự hy sinh này là điều khó tránh khỏi, nhưng bạn có thể giảm thiểu tác hại bằng cách thỏa thuận chỉ một ngày trong tuần (thứ 2 là tốt nhất cho một tuần làm việc sôi động) để giải đáp thắc mắc thay vì trả lời lặt vặt.
- Chi phí cơ hội: Thời gian dạy học trò là khoảng thời gian bị mất để làm việc kiếm tiền. Nếu quản lý chỉn chu, học trò của bạn sẽ là tài sản thay vì chi phí công việc, nhưng điều này cần thời gian. Những tháng đầu tiên làm việc với học trò nên được xem xét như đầu tư vào tương lai.
- Đầu tư ban đầu: Một trong những cách tốt nhất để cản trở khả năng của học trò là không cho học trò công cụ cần thiết để sử dụng. Lý tưởng nhất là bạn cung cấp những công cụ bạn sử dụng hằng ngày. Đây là đầu tư, không phải chi phí.
- Mạo hiểm: Nếu học trò của bạn lỡ tay phá hoại, bạn có nguy cơ mất uy tín. Hầu hết nguy cơ này có thể tránh được bằng cách lựa chọn và đào tạo học trò kỹ càng.
Cách Chọn Học Trò
Bạn không bao giờ ngừng học hỏi. Nếu bạn có một người thầy, bạn sẽ không bao giờ thôi là học trò – Elisabeth Rohm
Chọn một học trò ưu tú bao giờ cũng là công việc đãi cát tìm vàng. Dưới đây là một cách dễ dàng và nhanh chóng với sự trợ giúp của công nghệ để bạn tìm một người học trò xứng đáng.
Bạn đăng một thông báo tuyển học trò trên Facebook, Email, Website. Thay vì ngồi đọc hàng trăm CV, bạn hãy mời mọi người vào một Facebook Group để họ gặp gỡ nhau và trò chuyện.
Trong vòng một ngày, bạn sẽ nhận ra các ứng cử viên sẽ thuộc một trong 4 nhóm sau:
- Game-show: Họ tìm kiếm những câu trả lời có-không chóng vánh. Hầu hết bỏ đi.
- Ẩn nấp: Họ đã ở đó, nhưng bạn không biết họ ở đâu.
- Người theo: Họ chờ ai đó nói cho họ biết phải làm gì.
- Lãnh đạo: Những người khởi đầu cuộc đối thoại, tiên phong và bắt tay vào việc.
Đố bạn nên tuyển chọn ai? Những phẩm chất ưu tiên ở một người học trò là khao khát học hỏi không ngừng nghỉ, một khối óc ngời sáng tiếp thu nhanh nhạy, và tâm hồn lương thiện tử tế. Thời gian của bạn là giới hạn, đừng mất thời gian cho những người chưa sẵn sàng.
Cách Chọn Sư Phụ
Không thầy đố mày làm nên
Dạy nghề là một công việc thử thách không dành cho những ai yếu tim. Dạy sai có thể hỏng cả một đời người vì người học trò đã mất nền tảng và những thói quen xấu khó sửa chữa. Một thầy dạy giỏi sẽ có phương pháp để dạy bạn đạt được kiến thức, kỹ năng và tâm lý tốt cho cái nghề bạn muốn học. Những phẩm chất ưu tiên ở một bậc thầy là sự chuyên nghiệp, khả năng truyền đạt, tâm hồn tốt đẹp.
Tại sao những người thợ giỏi nhất không phải là thầy giỏi? Rất ít thợ giỏi là thầy dạy giỏi. Điều này đúng với nghệ sĩ, doanh nhân hay những người thực hành khoa học. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên bởi vì họ luyện tập cả đời để trở thành người thực hành, chứ không phải người giảng dạy. Họ vẫn có thể cho bạn rất nhiều chia sẻ và kinh nghiệm hay, nhưng bạn sẽ phải tự tổng hợp kiến thức và mò mẫm phương pháp.
Một thầy giỏi có thể giúp trò tiết kiệm một đống thời gian bằng cách phân tích yếu tố và thi phạm phương pháp. Việc này không nên để học trò tự khám phá qua thử-sai. Một sư phụ để học sinh tự mò mẫm học theo bản năng thì không dạy gì cả. Trải nghiệm thường lấy học phí quá đắt dù là một người thầy giỏi.
Những sư phụ giỏi thường giao tiếp với những người khác trong ngành, trao đổi ý tưởng, và học từ người khác. Tránh những người nghĩ “mình là số 1” (nhưng hãy tìm những người cố gắng trở trên giỏi nhất). Không có gì nguy hiểm hơn cho học trò hơn một sư phụ kém linh hoạt với kiến thức và phương pháp đã bị đóng băng trong dòng thời gian. Trong thời đại công nghệ thông tin, không có thứ gì gọi là phương pháp hay công thức bí mật nữa. Sự thành công của một sư phụ thường dựa vào sự giao tiếp cởi mở với các chuyên gia khác nhiều hơn là những tuyệt chiêu bí ẩn.
Học trò thường hưởng lợi nhiều nhất khi được dạy bởi nhiều giáo viên. Một cộng đồng sư phụ sẽ giúp bạn nhiều hơn một cá nhân xuất sắc. Một người luôn có sai lầm. Có rất nhiều người giỏi xứng đáng cho bạn học tập, nhưng bạn cần xác định sư phụ phù hợp với cấp độ của mình: cơ bản, trung cấp và cao cấp. Một cộng đồng sư phụ còn hữu ích ở chỗ có khả năng giới thiệu cho bạn những sư phụ giỏi hơn khi bạn lên cấp.
Thử Nghiệm với Việc Học Nghề
Tôi có những sư phụ. Những anh em programmer dạy tôi cách làm việc outsource. Chồng đĩa Audiobook phát triển cá nhân của Tony Robbins. Những quyển sách best-seller về lifestyle của Tim Ferris. Điều đầu tiên tôi làm khi muốn phát triển bất kỳ lĩnh vực nào là tìm ngay một sư phụ để học hỏi. Luôn hiệu quả!
Tôi đã dạy một số ít. Qua việc dạy tôi hệ thống lại kiến thức của mình, có thêm những người bạn thông minh, và phát hiện ra mình còn cần phải học rất nhiều. Hiện nay do tính chất công việc nên tôi tuyển trợ lý cá nhân nhiều hơn là làm sư phụ của ai đó.
Nếu bạn mới bắt đầu (trong bất cứ lĩnh vực gì), tìm một chuyên gia và sắp xếp việc học nghề là một bước phát triển đúng đắn. Bạn sẽ cắt luôn nhiều năm kinh nghiệm vật vã nghiên cứu, học rất nhanh nhiều kiến thức bên trong, và bắt đầu hành động để có kết quả ngay.
Nếu bạn là một chuyên gia, đào tạo một học trò là cách rất hay để mài sắc kỹ năng và bôi trơn hệ thống làm việc của bạn. Bằng cách dạy những gì bạn làm cho người khác, bạn chắc chắn sẽ tìm ra những ý tưởng mới mẻ để phát triển tay nghề của mình.