Skip to main content

Dụng nhân như dụng mộc – Khổng Tử

Bạn không thể vừa cứu cá heo vừa dạy học vừa vá lại tầng ozon. Hãy để bớt việc cho nhân loại.

Bạn có bao giờ cảm thấy 24 tiếng mỗi ngày là không đủ? Nếu bạn đang thiếu thời gian, chắc hẳn bạn đang bị ôm đồm quá nhiều việc. Chúng ta lớn lên, số lượng công việc cần phải hoàn thành mỗi ngày dường như nhiều hơn. Độ tuổi càng tăng, quyền lực càng cao, công việc càng nhiều, trách nhiệm càng lớn.

Giao phó (tự động hóa, thuê ngoài) là cách hiệu quả để đào thải sản phẩm phụ của hiệu ứng già đi.

Dưới đây là 7 lý do tại sao bạn nên học giao phó ngay bây giờ.

1. Mua Lại Sự Tự Do Với Giá Rẻ

Hãy xem một bài toán như sau:

Bạn làm được 50,000VNĐ/giờ
Số tiền bạn kiếm được trong 3 tiếng 150,000VNĐ
Trong 3 tiếng nếu phải làm việc vặt bạn mất -150,000VNĐ
Phí thuê người khác 20,000VNĐ/giờ
Trong 3 tiếng nếu thuê người khác làm hộ bạn 60,000VNĐ
Số tiền kiếm được nếu giao phó việc vặt cho người khác +90,000VNĐ

Nếu bạn thuê, thay vì mất đứt 150,000VNĐ bạn đã có thêm 90,000VNĐ. Nhìn từ góc độ khác, bạn đã mua được 3 tiếng Tự Do mỗi ngày chỉ với giá 60,000VNĐ. Chưa kể bạn không phải trả thêm thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Bạn cũng không phải mua bàn làm việc riêng cho nhân viên và trang bị thiết bị làm việc, diện tích văn phòng. Thật là một món hời!

Đương nhiên, nếu khéo léo và hiểu về động lực con người, bạn có thể nhờ người khác làm hộ mà không mất xu nào.

Bạn cũng có thể lựa chọn thay vì làm việc thì đi tận hưởng cuộc sống. Lựa chọn của bạn.

2. Cách Kiếm Tiền Không Nhàm Chán

Thời gian là tiền bạn. Mỗi cuối tuần tôi đều nhờ một người anh gốc Khơ-me qua dọn nhà thay mình. Anh nhuần nhuyễn làm vệ sinh trong 1 tiếng với giá 50,000VNĐ. Trong thời gian đó tôi tập trung ngồi viết bài cộng tác báo với nhuận bút trung bình 400,000VNĐ. Kết quả: 350,000VNĐ nhuận bút thay vì thấm ướt cây lau nhà. Viết càng nhiều tôi càng cứng tay. Lau nhà càng nhiều thì thứ duy nhất cứng là vài vết chai tay. Các quý cô không thích điều này.

Đây là chìa khóa đến 4-Hour WorkWeek – những kỳ nghỉ hưu nhỏ và những chuyến du lịch được trả tiền.

3. Tăng 400%-500% Hiệu Suất

Lợi ích thu về từ sự đầu tư giao phó rất cao. Những việc lặt vặt không chỉ cướp đi thời gian của bạn – mà còn cả năng lượng, sự bình an tâm hồn, tư duy sáng suốt… Bằng cách giao phó chúng, bạn được tự do thời gian để làm những gì bạn muốn làm và trở thành người bạn muốn trở thành. Một khi quen với việc giao phó, hiệu suất của bạn sẽ đạt đến mức 400%-500%.

Định nghĩa việc vặt – theo cách của bạn, có thể rất rộng. Đó là những thứ ít quan trọng, ít lợi nhuận, ít lợi ích, ít vui nhộn…với bạn. Việc vặt có thể bao gồm việc nhà, dịch thuật, thiết kế, sưu tập tài liệu từ Internet…

Tôi hiểu nhiều bạn thích làm việc nhà như một thú vui tao nhã. Tôi cũng thích xếp áo quần trong tiếng piano trong sáng của Kevin Kern. Nhưng hãy dối diện sự thật. Bạn nữ nào cũng có lúc phát ốm vì đống quần áo chưa ủi và chén bát chưa rửa. Bạn nam nào cũng có lúc mệt mỏi với việc nhà giữa bộn bề sự nghiệp. Bạn muốn sống một cuộc sống chất lượng hay một cuộc sống toàn những việc lặt vặt?

4. Đảm Bảo Chất Lượng

Bạn chỉ có nhiều nhất 24 tiếng và một lượng năng lượng hữu hạn để hoạt động mỗi ngày. Bảo đảm chất lượng công việc là một điều nguy hiểm. Giao phó cho người khác, bỗng dưng bạn có nhiều hơn 24 tiếng và một nguồn năng lượng song song.

Đa số công việc chúng ta làm hằng ngày mang tính tập quán – có thể giải quyết bằng một tiến trình/công thức. Cho nên bạn có thể giao phó công thức hoàn thành này cho một ai đó thực hiện mà không ảnh hưởng đến kết quả. Dành một khoảng thời gian ban đầu đào tạo họ về triết lý, quy trình, kết quả mong đợi…, bạn sẽ ngạc nhiên tại sao mình không làm điều này sớm hơn.

5. Học Điều Gì Đó Mới

Nếu bạn dễ thương và cầu tiến, bạn cũng có thể tranh thủ học hỏi thêm kỹ năng mới. Người được bạn tin tưởng giao phó trở thành những huấn luyện viên cá nhân chất lượng. Một người làm một việc đủ lâu hẳn biết rất nhiều kinh nghiệm thú vị bạn có thể tận dụng. Bạn có thể học nấu ăn, thiết kế website, Photoshop từ một chuyên gia không? Rất có thể.

Họ là chuyên gia. Chuyên gia lau nhà. Chuyên gia mua hàng giá rẻ. Chuyên gia nấu ăn. Chuyên gia du lịch. Dù gì họ cũng giỏi hơn bạn trong lĩnh vực nào đó và có gì đó cho bạn học. Đừng có đùa!

6. Giúp Đỡ Người Khác

Đây là ví dụ thợ săn và nông dân trong kinh tế học. Cùng thời gian và nỗ lực, anh thợ săn có thể săn 10 con thú hoặc trồng 1 củ khoai, bác nông dân có thể săn 5 con thú hoặc trồng 7 củ khoai. Lựa chọn tốt nhất: anh thợ săn đi săn 10 con thú béo mập để trao đổi với 7 củ khoai của bác nông dân. Mọi người cùng thắng.

Bằng cách tin tưởng giao phó cho người khác, bạn đã cho họ (và cả chính bạn) cơ hội phát triển. Có rất nhiều bạn giỏi chuyên môn nhưng ít tư duy kinh doanh – không biết marketing bản thân (múa lưỡi, chém gió) nên phải chịu thiệt thòi với những chiếc thùng rỗng kêu to khác. Một sinh viên thiết kế nội thất sẽ tốt hơn khi giúp bạn bè thiết kế lại phòng trọ, thay vì đi dạy Toán-Lý-Hóa. Tại sao phải làm những việc bạn không thích và không giỏi? Tại sao phải để người khác làm những việc họ không thích và không giỏi?

7. Học Kỹ Năng Con Người

Một ông Bí Thư tỉnh mỗi ngày vào cơ quan làm việc. Việc gì? Đút chìa khóa mở cửa, sắp xếp hồ sơ, đun nước nóng pha chè. Nhưng cứ đi chơi xa thì lại luôn nóng ruột, việc cơ quan đang chờ, mình là không thể thay thế. Người ta trêu: Thôi đi ông, đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đột tử thì ngay lập tức có người thay, mà là người giỏi hơn. Tạp vụ, lái xe đến sếp đều có thể thay thế được. Đừng nghĩ mình là người quan trọng, không ai thay thế được, vắng mình một tí là rắn mất đầu, cơ quan loạn, nhân viên bơ vơ.

Kỹ năng con người không dễ học. Bạn cần học cách cảm thấy thoải mái khi giao việc cho người khác. Giao phó là một phần chức năng của nhà quản trị. Bạn phải học cách ra lệnh, đào tạo, khuyến khích, động viên người khác.

Cụ thể hơn, bạn sẽ học được 3 kỹ năng sau:

  1. K năng la chn: nhận biết 20% quan trọng và 80% vô nghĩa. Giao việc ít ý nghĩa với mình cho người khác làm. (Gợi ý: Ăn kiêng thông tin và MED)
  2. K năng giao vic: giao đúng người đúng việc và truyền thông điệp hiệu quả.
  3. K năng kim soát: kiểm soát sau khi giao việc để bảo đảm mọi thứ đều hoàn hảo.

Khi bối rối và thiếu thời gian, hãy đọc câu thần chú sau: “Mình sẽ giao việc gì, giao cho ai, giao như thế nào, và nhận được kết quả ra sao?”

One Comment

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...