Bản đồ tư duy đã thay đổi cuộc đời sinh viên của tôi từ năm 2009.
Nghiên cứu cho thấy bản đồ tư duy giúp học hiệu quả hơn đến 15% so với cách học tuyến tính truyền thống. Hẳn là một nghiên cứu toàn thanh niên nghiêm túc? Chứ với người bình thường như tôi, độ hiệu quả tăng đến 50%.
Bản đồ tư duy còn chứa nhiều giá trị khác ngoài học tập. Từ chàng tân binh ngơ ngác đến nhà quản lý “độc ác”, tôi đã tìm tòi áp dụng bản đồ tư duy cho các mảng khác. Tôi có bản đồ tư duy tóm tắt các cuốn sách đã đọc, tiến trình các dự án đang theo, những bản piano đang tập luyện… Nhưng trên tất cả, tôi đã tạo ra một bản đồ tư duy của những bản đồ tư duy:
Một Bản Đồ Tư Duy Quản Lý Cuộc Sống
Bao nhiêu phần trong cuộc sống bạn đang được dành để sống hay vì sắp xếp cuộc sống? Thách thức lớn nhất của cuộc sống hiện đại là đi thăng bằng trên dây trong khi vẫn không ngừng tung hứng các trái banh công việc, tình yêu, gia đình, hóa đơn, sức khỏe, rèn luyện. Chúng ta bận rộn sắp xếp cuộc sống hơn là thực sự sống. Sắp xếp tồi là kryptonite của cuộc sống tốt.
Tôi thèm viết lách, chơi piano, cày videogames, uống café với bạn thân, và làm những dự án tôi đam mê. Cho nên tôi tạo ra bản đồ tư duy quản lý cuộc sống. Mục tiêu của tấm bản đồ tư duy này là: tối thiểu thời gian quản lý để có thể tối đa thời gian sống. Sau bao năm, nó đã được tối ưu thành một phiên bản đơn giản, gọn gàng, đẹp đẽ và dễ sử dụng nhất.
Hơn thế nữa, đây là một tấm bản đồ tư duy được thiết kế chiến thuật để dạy bạn nguyên lý vẽ bản đồ tư duy. Được đơn giản hóa mạnh mẽ, quá trình học lý thú này chỉ ngốn của bạn 1 tiếng để bạn áp dụng trọn đời cho việc lên kế hoạch, giải quyết vấn đề, ra quyết định…
Đây là bước đầu để tái thiết kế bộ não của bạn như cách các thiên tài đã sử dụng.
Cách Theo Dõi Và Tối Ưu Cuộc Sống
Thời gian sử dụng bản đồ tư duy đã dạy tôi thói quen tư duy của một nhà quản trị hơn bất kỳ khóa nào tôi đã học trong môn quản trị kinh doanh của mình. Bản đồ tư duy yêu cầu bạn phải tổng hợp, phân loại, liệt kê, nén thông tin – vốn là những nguyên lý cơ bản mà cha đẻ của quản trị học hiện đại đề ra:
“Những Gì Đo Lường Được Thì Cải Thiện Được”
– Peter Drucker
Bản đồ tư duy là cách dễ nhất để tôi theo dõi các hoạt động trong tháng. Mỗi tháng tôi đều có một mindmap riêng theo mẫu này, và nhờ đó biết được rõ như pha lê những điều sau:
- Mình cần làm gì trong tháng, việc nào là quan trọng nhất
- Mình đã làm quen được ai mới thú vị, và giữ tình cảm với mối quan hệ sẵn có ra sao
- Mình đọc bao nhiêu sách, tập bao nhiêu bản piano, chơi bao nhiêu game, đi dự sự kiện nào
- Mình làm bao nhiêu dự án và tiến độ dự án như thế nào
- Mình cải thiện bản thân đến đâu, tham dự khóa học nào
Tại sao phải ghi lại? Sao mình không sống ngày nào hay ngày đó? Vì lục bình trôi không phải lối sống tôi muốn. Tôi thích sự khoa học và lên kế hoạch trước để quản lý rủi ro và tối đa trải nghiệm.
Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thường chạy quanh thành phố giải quyết công việc kèm một cuốn sổ tay ghi chi chít chữ. Làm xong việc nào ba gạch chéo đi việc đó. Ba chẳng bao giờ quên việc gì, cũng như chẳng bao giờ quên lời hứa với con. Tôi đã hiểu được sức mạnh của ghi chép như thế. Ghi chép là suy nghĩ trên trang giấy. Cách bạn ghi chép phản ánh các bạn suy nghĩ.
Mẫu bản đồ tư duy đi kèm với ebook này sẽ là chiếc chổi ma thuật giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn về cuộc sống của mình. Bạn sẽ dọn dẹp bụi bặm trong não, tiết kiệm hàng giờ sắp xếp mỗi tháng, và đưa cuộc sống trở lại quỹ đạo ngăn nắp.
Chỉ có vài nguyên lý bạn cần biết trước khi bắt tay vào quản-lý-cuộc-sống-trên-một-trang giấy.
Nguyên Lý Của Bản Đồ Tư Duy
5 Đặc Trưng Thiết Yếu Của Một Bản Đồ Tư Duy:
- Ý tưởng chính, được kết tinh ở một hình trung tâm.
- Những chủ đề chính tỏa ra từ hình trung tâm thành “nhánh”.
- Các nhánh bao gồm một hình khóa hay từ khóa được vẽ hay in trên đường liên kết.
- Những chủ đề ít quan trọng hơn được biểu hiện như các “cành con” của nhánh liên quan.
- Các nhánh tạo thành kết cấu nút liên quan.
Để hỗ trợ quá trình ghi nhớ và gợi lại, bản đồ tư duy tận dụng:
- Màu sắc – để khác biệt hóa các phần trên bản đồ.
- Hình ảnh thị giác – để minh họa các chủ đề khác nhau.
So với phương pháp ghi tuyến tính, Bản Đồ Tư Duy có lợi thế:
- Cho phép một lượng lớn ý tưởng phức tạp được nén lại trên một trang giấy.
- Bản đồ tư duy được tạo theo cách hữu cơ và linh hoạt – các kết nối có thể được vẽ giữa bất kỳ mục nào. Các ý tưởng mới có thể được thêm vào thoải mái.
- Vì bản đồ tư duy sao chép cách bộ não hoạt động hữu cơ và tích hợp màu sắc, hình ảnh và ý tưởng nén, nên một bản đồ tư duy dễ nhớ và dễ gợi lại hơn một danh sách tuyến tính.
Hình ở trên là kinh thánh về nguyên lý vẽ bản đồ tư duy. Dễ hiểu hơn ghi tuyến tính nhiều nhỉ?
Quản Lý Cuộc Sống Trên Một Trang Giấy
Ban đầu mọi tín đồ đều vẽ bản đồ tư duy bằng tay. Nhưng vẽ bản đồ tư duy bằng tay có quá nhiều tội lỗi không-tránh-được: dễ mất, dễ hư, khó lưu trữ, khó chỉnh sửa và khó chia sẻ. Đây cũng là lý do chính nhiều người bỏ cuộc với bản đồ tư duy.
Rồi công nghệ đến. Công nghệ đã giải quyết được hết thảy mọi vấn đề trên. Và còn tuyệt vời hơn thế. Một tấm bản đồ tư duy điện tử sẽ giúp bạn quản lý dự án, lên kế hoạch, chèn công thức tính toán, vẽ biểu đồ, vẽ ma trận, mở rộng đến vô tận, lưu trữ trên đám mây…
Trong bộ Mind Map Kit này, bạn sẽ nhận được:
- Ebook 10-trang: giá trị và nguyên lý của bản đồ tư duy; cách theo dõi và tối ưu cuộc sống; vẽ tấm bản đồ tư duy quản lý cuộc sống của bạn.
- Mẫu bản đồ tư duy Quản Lý Cuộc Sống.
- Bản đồ tư duy Quản Lý Cuộc Sống tháng 01 của Trần Hữu Đại Nhật.
Quá trình này chỉ mất của bạn 60 phút để tạo ban đầu, 10 phút để ôn mỗi ngày, và 15 phút để biên tập mỗi tháng. Đơn giản phải không?
Và từ đó, cuộc sống của bạn trở nên ngăn nắp.
CẬP NHẬT: Hiện PTCN không còn bán Mindmap Kit nữa. Thay vào đó, mình đang áp dụng phương pháp PARA trong sách How To Build a Second Brain để quản lý thông tin cuộc sống. Bạn có thể đọc sách này hoặc tham khảo Facebook cá nhân của Nhật để tìm hiểu cách áp dụng nhé.
Tài Liệu & Công Cụ
Xmind: Một lựa chọn miễn phí với phần mềm bản đồ tư duy mã nguồn mở. Xmind có hầu hết tính năng cần thiết mà bạn cần để quản lý cuộc sống.
One Comment