Mạnh mẽ là khi bạn quan tâm nhiều hơn về số ít người thích công việc của bạn hơn là đám đông ghét nó (nghệ sĩ); yếu ớt là khi bạn quan tâm nhiều hơn về số ít ghét công việc của bạn hơn là đám đông thích nó (chính trị gia).
-Cách ngôn, Nassim N. Taleb, tác giả Black Swan
Bạn có gặp những người khùng điên liên lạc hay bình luận trên tường nhà bạn? Tôi có.
Trên mạng và trên đường, có những “dũng sĩ” đang chồm hổm chờ sơ hở của bạn để công kích. Họ là cả làng ùa vào hãm hiếp tinh thần một cô gái hay cộng đồng mạng ném đá rào rào một người nổi tiếng. Họ là đồng nghiệp hay thành viên gia đình của bạn. Những cuộc “thánh chiến bàn phím” truy tìm “công lý” được dẫn đầu bởi những “con chiên” cuồng tín với một thứ “tôn giáo” lấy sự hả hê tìm mọi cách hạ nhục người khác làm kinh thánh.
Thời gian làm việc truyền thông mạng xã hội đã dạy cho tôi cách xử lý kẻ căm ghét, bảo vệ trước một số công kích truyền thông, và kỹ thuật tự vệ thương hiệu cá nhân. Yêu những kẻ ghét là chuyện khả thi. Nhưng bạn cần vài cách giao tiếp chiến thuật…
Đây là cách để bạn hun đúc “bộ giáp sắt” và “tấm khiên thủ lĩnh” chống-căm-ghét của riêng mình.
Chân Dung Những Kẻ Căm Ghét
Tôi hình dung rằng một trong những lý do để người ta cứ khư khư bám vào nỗi căm ghét của mình là họ cảm thấy rằng nếu họ dừng căm ghét, họ sẽ phải đối mặt với nỗi đau.
– James Baldwin
Những kẻ căm ghét nghe như thế này: “Định mệnh thằng Mặt Trời viết dở như hạch”. Bình luận đó đấm gục tôi. Tôi cố giải thích: “Chắc là bạn không hiểu chắc là có hiểu nhầm gì đó”. Trái tim nhỏ nhoi sao chịu được lời căm ghét bạo liệt đó.
Tôi không phải người duy nhất. Tiên sĩ Đặng Hoàng Giang (tác giả sách Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can) cũng chia sẻ chung cảm xúc trong bài viết 7 Bước Đi Căm Ghét về hình hài và tâm lý của căm ghét, độc địa và tàn nhẫn.
Mặt tôi nóng bừng. Phản ứng đầu tiên của tôi là bỏ ra chỗ khác, đúng hơn là để cái điện thoại sang một bên, ngoài tầm nhìn. Đó là phản xạ chạy trốn, che mặt, muốn độn thổ – các hành vi đặc trưng của người bị làm nhục …
Đêm hôm đó không ngủ được, tôi hình dung ra một đám đông trên mạng đang đắc thắng vui cười, thi xem ai làm nhục giỏi hơn, ai miệt thị cay độc hơn. Một người bước lên trước liệng một hòn đá, đám đông reo hò. Người tiếp theo bước lên liệng hòn đá khác.
Họ quay ra đập tay high five với nhau như khi chơi bowling đánh đổ hết cả 10 pin bằng quả bóng đầu tiên. Tôi hình dung ra họ đang thấy bản thân mạnh mẽ; họ đang là chính nghĩa, cái thiện, cái tốt đẹp; họ đang đè bẹp cái xấu xa và ngu dốt.
Từ đó, ông giới thiệu tiếp công trình nghiên cứu của cựu FBI John Schafer và Joe Navarro. Năm 2003, họ đã đề xuất một quá trình căm ghét trọn vẹn đi qua bảy bước:
- Những người căm ghét tụ tập lại thành nhóm
- Nhóm căm ghét tạo lập một bản sắc.
- Họ giễu cợt, phỉ báng đối tượng, qua đó củng cố hình ảnh và chỗ đứng của bản thân.
- Mức độ lăng nhục và thóa mạ đối tượng tăng lên.
- Họ tấn công nhưng không dùng vũ khí.
- Họ tấn công bằng vũ khí.
- Đối tượng của căm ghét bị phá hủy.
Người căm ghét thể hiện qua ngôn ngữ qua bốn bước đầu tiên và hành động ở ba bước cuối cùng. Trên cả bình diện tâm lý và vật lý, sự căm ghét phá hủy cả người ghét lẫn người bị ghét. Sự căm ghét là liều thuốc độc (Hỡi thuốc độc hãy làm nhiệm vụ của mi đi).
Bạn đã hiểu về họ. Giờ là vài phương pháp thực tế để xử lý họ.
Phương Pháp Phép Nhà
Ghen tị là một phần của con người, nhưng thưởng thức niềm vui trên nỗi đau của người khác thì là ma quỷ.
– Triết gia Arthur Shopenhauer
Trang mạng xã hội của bạn là nhà của bạn. Nếu có một vị khách đến chơi nhà gây khó chịu thì bạn làm sao? Bạn bảo họ im lặng. Nếu họ còn to tiếng? Bạn đá đít khỏi cửa.
Đó là phương pháp phép nhà. Mà chị Nguyễn Phương Mai (tác giả Tôi Là Một Con Lừa) đã sắc sảo viết trong note Phép Nhà như sau.
Với nhiều kẻ ra vào facebook của mình, bao giờ tôi cũng cố giữ nguyên tắc: “giận đến mấy cũng luôn có từ ‘bạn XYZ thân mến…”, đưa ra cảnh cáo nhắc nhở 1-2 lần, lần thứ ba sẽ block và luôn có liệt kê những lý do bị block.
Khi comment trên tường nhà người khác, nó như việc tôi dán lên cửa nhà họ tấm danh thiếp của mình và một lời nhắn nhủ. Tư cách của tôi ở đó. Lời nói gió bay, nhưng comment trên facebook thì bia đá khắc lại, cộng thêm cái mặt chủ nhân chình ình trên đó ngàn đời cho thiên hạ đủ mọi hạng thân sơ đọc rồi đánh giá.
Đây có phải là forum vô danh ẩn tính đâu mà là facebook, một mạng xã hội kết nối cả trăm bạn bè họ hàng đồng nghiệp với nhau…cớ sao một kẻ trần truồng không hề có danh tính sơ cua nào để tránh núp lại điên rồ đến mức chạy ra giữa đường mà la hét: “Tôi tên là A, tôi làm ở công ty B, vợ/chồng/concái tôi tên là XYZ, bạn bè tôi là anh này chị nọ bà kia… Bây giờ các người nghe cho rõ đây: ĐM các người”.
Từ đó, chị dán những phép nhà sau lên cửa:
- Vào nhà người khác trước hết phải ăn nói lịch sự, ứng xử có văn hóa.
- Chủ nhân có ý mở rộng đường cho các ý kiến tranh luận chứ không phải phê phán chửi bới mạt sát người khác.
- Không ai có quyền đòi hỏi chủ nhân phải sắp xếp lại nhà cửa cho hợp ý mình.
- Chủ nhân không có nghĩa vụ phải nhất mực trung tính, tiếp thu vàng thau hay rác rưởi thiên hạ ném vào với tư cách ý kiến dân chủ.
Nhưng còn những kẻ không vào nhà bạn mà chửi đổng Chí Phèo oanh oanh ở ngoài đường, thì “người nổi tiếng” là bạn phải làm sao?
7 Nguyên Tắc Tự Vệ Thương Hiệu Cá Nhân
7 nguyên tắc sau đây sẽ giúp bạn tự vệ thương hiệu cá nhân. Những nguyên tắc này trích từ bài phát biểu Love The Hater của Tim Ferris.
1. Không quan trọng có bao nhiêu người không hiểu. Quan trọng là có bao nhiêu người hiểu.
Những người thích điều bạn làm thường im lặng. Những người không thích điều bạn làm thường gào thét. Họ đắc thắng, tin rằng mình đúng, thế giới cần biết đến phát ngôn của mình. Cái gì họ cũng ưa dạy dỗ, chỉ bảo, thương hại, chê bai, giễu cợt, phẫn nộ.
Quan trọng nhất trên mạng, hay trong đời, là có một mục tiêu rõ ràng và không lạc hướng. Nếu mục tiêu của bạn là làm điều tốt nhất cho nhiều người nhất có thể hay thay đổi thế giới một cách nho nhỏ (qua sản phẩm hay dịch vụ), bạn chỉ cần lựa chọn 1,000 fan đích thực một cách cẩn thận. Con số 1,000 trọng yếu đó sẽ tạo ra hiệu ứng hòn tuyết lăn. 10 triệu không hiểu đó không quan trọng.
2. 10% người sẽ luôn tìm cách để tự cảm thấy bị xúc phạm. Dự trù họ.
Con người đạt hiệu suất thấp nhất khi ở trạng thái phản ứng. Nếu bạn dự trù sẽ có những kẻ tấn công và kháng cự, bạn có thể lựa chọn trước cách phản ứng, thay cho phản ứng bộc phát. Phản ứng bộc phát là quả bom bùng nổ nhiều vấn đề khác. Nhiều người đang “tự sát mạng xã hội” mỗi ngày bằng một trong hai cách. Một là phản ứng với tất cả mọi chỉ trích – khiến bạn không bao giờ đủ thời gian để hoàn thành những cột mốc quan trọng của mình, và hai là phản ứng với những thứ không đáng phản hồi – đây là đổ thêm dầu vào lửa để đốt nhà bạn.
Những kẻ thù ghét sẽ công kích, đa phần là bằng ngụy biện. Lựa chọn tốt nhất của bạn trong hầu hết trường hợp là mặc kệ họ. Đừng tương tác và trao quyền cho họ bộc phát.
3. “Cố gắng khiến mọi người thích bạn là dấu hiệu của xoàng xĩnh: bạn tránh né những quyết định khó khăn, và bạn tránh né đối diện với những người cần đối diện.” (Colin Powell)
Nếu bạn đối xử với tất cả mọi người như nhau và phản hồi cùng một cách xin lỗi hay đồng tình, bạn không công nhận những người tốt nhất, và bạn cũng không cải thiện những người tồi nhất. Đấy là loại người ba phải, dĩ hòa vi quý, ai bình luận cũng Like, cũng cảm ơn và xin lỗi như cái máy. Điều này đảm bảo bạn sẽ có nhận được những hành vi bạn không muốn nhiều hơn và bạn muốn ít hơn. Hãy phản hồi có chọn lọc và chiến thuật.
Nhớ rằng bạn không phải xin lỗi vì những gì mình tin tưởng. Khi ai đó tấn công bạn, cảm thông và thừa nhận là cách “lạc mềm buộc chặt” hơn trả lời bằng một cú đấm vào mặt vốn có thể bùng nổ thành cuộc khẩu chiến.
Tôi hiểu vì sao bạn cảm thấy ABC. Nhiều năm trước tôi cũng cảm thấy XYZ. Nhưng đây là vài thứ 123 để cân nhắc.
Đưa cho họ dữ kiện và để họ tự rút ra kết luận. Cách này sẽ tiêu diệt kẻ căm ghét tiềm năng và có thể chuyển từ người căm ghét sang người hâm mộ.
4. “Nếu bạn thực sự hiệu quả ở cái bạn làm, 95% những điều nói về bạn sẽ là tiêu cực.” (Scott Boras, VĐV bóng chày)
Những người giỏi nhất trong hầu hết mọi lĩnh vực thường là những người bị chỉ trích nhiều nhất. Tác động của bạn càng lớn, và quy mô dự án và tham vọng càng lớn, bạn càng đối mặt với nhiều tiêu cực. Nếu bạn có người ghét ở khắp 64 tỉnh thành dãi đất chữ S này chứng tỏ điều bạn làm đã phủ được khắp Việt Nam.
Khi bạn có một bài phỏng vấn miệng, hãy luôn thu âm lại bài phỏng vấn đề làm bằng chứng kiện tụng. Nhiều nhà báo thích bóp mồm bóp miệng bạn để ra được nội dung theo ý họ muốn. Bạn có thể đề phòng tránh bằng cách (1) xem những bài phỏng vấn trước của nhà báo (biết bản chất họ) và (2) thông báo bạn sẽ thu âm (giữ họ trung thực).
5. “Nếu bạn muốn phát triển, hãy hài lòng với việc bị nghĩ là dại dột và ngu dốt.” (Epictetus, nhà khổ hạnh)
Tự trọng là chỉ xấu hổ với những điều đáng xấu hổ. Điểm xấu hổ của tôi là làm những gì đi ngược lại giá trị của mình. Những điều người khác nói không quan trọng.
Nếu bạn không muốn bị chỉ trích, đừng làm gì, đừng nói gì, và đừng là gì cả. Để làm bất kỳ điều gì thú vị bạn cần tự rèn luyện để hiệu quả với việc xử lý, phản hồi, và thưởng thức sự chỉ trích…
6. “Sống tốt là cách trả thù tốt nhất.” (George Herbert, mục sư người Anh)
“Á, tao sẽ giết mày, liệu hồn đấy!” Bạn có thể nói thế. Nhưng nếu bạn có một bình acid và bạn đổ acid đó lên một vật thể khác, thì chính cái bình đựng acid mới là cái chịu tổn thất nhiều nhất.
Một thần tượng lên báo cười: “anti-fan chăm sóc mình còn tốt hơn cả fan”. Cách tốt nhất để phản đòn một kẻ căm ghét là khiến rõ toẹt-móng-heo rằng sự tấn công của họ không có tác động. Và cho họ thấy bạn đang vui cỡ nào. Gạch đá vào đây cho anh xây nhà.
Sự trả thù tốt nhất là để kẻ căm ghét tiếp tục sống với nỗi thù hằn và giận dữ, vốn hầu như chẳng liên quan gì đến bạn cả. Họ đau bao tử tím tái mặt mày còn bạn thì đi chơi, ai lỗ? Không cần giận dữ, không cần trả đũa – tập trung vào sống tốt. Điều đó sẽ ăn mòn họ hơn bất kỳ thứ gì bạn có thể làm.
7. Giữ bình tĩnh và tiếp tục.
Slogan “Keep Calm and Carry On” được tạo ra bởi chính quyền Anh quốc trong Chiến Tranh Thế Giới II làm thông điệp tuyên truyền trong cuộc xâm lăng của Phát Xít. Trong thời buổi hiện đại, bạn có thể diễn dịch như sau. Tập trung vào sự tác động, không phải sự công nhận. Nếu bạn tin rằng bạn có thể thay đổi thế giới, cứ làm những điều bạn tin tưởng là đúng và chuẩn bị những kẻ tấn công. Cứ bình tĩnh và tiếp tục!
Yêu Kẻ Căm Ghét
Trong khi bạn đang đọc bài viết này, có những người đang làu bàu, gầm gừ, lê lết từ email, bình luận, trang tin, diễn đàn đến tường nhà người khác để giật status, like, share, bình luận, kết bạn, theo dõi, block. Chỉ có “15 phút nổi tiếng”, họ quyết định giá trị bản thân dựa trên số Likes và view.
Một người đàn ông đến phỉ báng đức Phật, nhưng ngài ngồi yên không hồi đáp. Mệt mỏi chán chê, người đàn ông chất vấn tại sao ta xúc phạm ông như vậy mà ông vẫn im lặng. Đức Phật hỏi: “Nếu ông đưa một món quà cho một người mà người ấy không nhận, vậy thì món quà thuộc về ai?”.
Và tôi để câu hỏi này lại cho bạn: “Sự căm ghét thuộc về ai?”
Cám ơn anh. Bài viết tuyệt quá <3