Skip to main content

Sau khi tốt nghiệp Đại Học Emory, sinh viên ưu tú Christopher McCandless bỏ tất cả vật sở hữu, trao $24,000 tài khoản tiết kiệm cho từ thiện và đi nhờ xe đến Alaska để sống nơi hoang dã. Into The Wild, bộ phim dựa trên câu chuyện có thật, sẽ khiến bạn phải suy nghĩ nhiều về những suy nghĩ quen thuộc mà xã hội đang cài đặt vào đầu bạn.

Xã hội bạn đang sống – bao gồm gia đình, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, người quen – ảnh hưởng sâu sắc đến sự hiểu biết của bạn vê thực tế. Qua những giao tiếp thường nhật, bạn liên tục bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng về xã hội, văn hóa, giáo dục và tín ngưỡng. Vấn đề là, những sự ảnh hưởng này thường đặt những giá trị sai lệch khác lên trên sự thật, khiến bạn bị lôi cuốn phải làm theo.

Trong thời Nho giáo thống trị, con người muốn trở thành kẻ sĩ. Trong xã hội trung cổ ở châu Âu, người ta muốn trở thành anh hùng và giai nhân (tại Shakespear). Những tay khủng bố đánh bom cảm tử được giác ngộ rằng nếu chết nổ banh xác, họ sẽ được lên thiên đàng thưởng thức 99 trinh nữ. Một nhân viên mẫn cán vào một công sở có nhiều nhân viên hay đi trễ, sau một thời gian anh chàng cũng lây bệnh lười công sở. Một bạn nữ quê lên thành phố học, gặp phải những người bạn đua đòi thì cũng dần tập thói quen ăn diện (Hiệu ứng Sex and The City).

Có lúc ảnh hưởng xã hội có ích cho bạn. Phát triển trong một môi trường tốt, bao quanh bởi những người bạn tốt là cách dễ nhất để thay đổi cuộc sống. Những người bạn giúp bạn thay đổi. Một người yêu giúp bạn hoàn thiện. Gia đình hỗ trợ bạn, bảo vệ bạn, yêu thương bạn, uốn nắn bạn khi bạn phạm sai lầm.

Có lúc ảnh hưởng xã hội có hại cho bạn. Nó hạ thấp bạn xấu đi so với cái tôi đích thực, khiến bạn tự nghi ngờ chính mình, làm thuyên giảm sức mạnh và sự tự tin của bản thân trước sự yếu đuối và bối rối. Bạn bè cho rằng bạn phải đi sàn mới sành điệu. Người yêu ép bạn phải trao tất cả. Cha mẹ bạn sợ bạn đi học xa gặp chuyện không may, đi xe máy bị tai nạn, đi tắm biển bị chết đuối, nuôi con như cá chậu chim lồng.

Dưới đây là 10 ví dụ về ảnh hưởng xã hội:

  1. Tai nạn giao thông: Ai có lỗi? Đương nhiên thằng giàu hơn có lỗi. Xe máy đụng xe đạp thì xe máy có lỗi. Ô tô và xe máy đụng nhau thì ôtô có lỗi. Ôtô và xe lửa đụng nhau thì ô tô có lỗi. Cứ thế thì máy bay đụng xe lửa thì xe lửa có lỗi. Xã hội có thói chăm chăm bênh vực người yếu thế hơn chẳng cần biết lỗi của ai. Thói tệ nghĩ người giàu là xấu mà bỏ quên thói tệ lưu manh của người nghèo.
  2. Màn chia tay đẫm nước: Chàng và nàng chia tay. Theo tinh thần hiệp sĩ bảo vệ kẻ yếu, đám bạn của nàng hội đồng mạt sát chàng. Mọi tội lỗi đều do anh. Con chó nhà hàng xóm chết cũng tại anh. Cái gì cũng tại anh hết trơn hết trọi á. Những quý cô chanh cốm hả hê vì bảo vệ được bạn, chẳng cần biết cô bạn “đáng thương” đang nhỏ nước mắt cá sấu sau khi lợi dụng người con trai chán chê.
  3. Cuộc thi bầu chọn: Người này đi spam tag kéo bè phái. Bạn bè cũng nể tình vote cho người mà thực tài vốn chẳng đáng gì. Từ chối không tham gia? Bạn bị xem là đồ ích kỷ. Thành ra hiện tượng một đám đông ngu dốt hời hợt biến kết quả cuộc thi thành tiêu cực. Spammer vô văn hóa không có lấy một lời xin lỗi sau khi đã rải thứ rác rưởi thông tin vào người khác.
  4. Đẳng cấp: Xã hội hay có những phân biệt đẳng cấp cực đoan. Một người không thể thay đổi đẳng cấp của mình dù họ cố gắng vươn lên đến thế nào trong cuộc sống. Thời hiện đại vẫn phảng phất tư tưởng này. Những kẻ ngu si vô cảm khinh rẻ những người làm nghề giúp việc nhà chân chính. Cũng như những sinh viên khá giả hay kỳ thị những bạn ở quê lên.
  5. Chân dài bã đậu, người giàu trọc phú: Ở đâu mà người ta có tính hả hê trước khiếm khuyết của những người đẹp và thành công. Đẹp ư? Chắc não phẳng lắm. Thành công ư? Ngủ với đạo diễn rồi. Giàu ư? Đồ trọc phú. Cánh nhà báo bới móc, người đọc hả hê bình luận thiếu văn hóa trên Facebook và Youtube. Hằng trăm bình luận chợ búa nhất và man-di nhất có thể. Ta chăm chăm thích thú hạ bệ người khác để thấy mình cũng không đến nỗi nào. Có cả một làn sóng phản ứng người đẹp và người thành công dữ dội, được phất cờ bởi những người tự ti về chính mình.
  6. Quá nhạy cảm: Mạng xã hội rộ lên. Mọi người có thể cởi mở giãi bày tâm trạng cho cả thế giới biết (dù thế giới có quan tâm hay không, quan tâm kiểu gì là chuyện khác). Không thiếu những bạn trẻ bị ảnh hưởng từ ban bè, suốt ngày than thở trên mạng. Những dòng trạng thái với quá nhiều những dấu 3 chấm mệt mỏi. Các bạn nghĩ rằng tâm trạng và nhạy cảm là biểu hiện của một chiều sâu nội tâm phong phú. Càng tâm trạng mình càng được quan tâm. Sai! Sự nhạy cảm quá đáng khiến những người bạn bình thường cảm thấy ngại tiếp xúc, khiến bạn không có được những mối quan hệ lành mạnh.
  7. Chụp ảnh gái đẹp: Phong trào nhiếp ảnh ở VN rộ lên rất nhiều trong bao năm gần đây. Nhưng có một số không nhỏ “nhiếp ảnh gia” chỉ chuyên tâm chụp hình gái đẹp theo phong cách “Thập Bát Mô” của Vi Tiểu Bảo. Định hình một cộng đồng tác giả và khán giả nghĩ rằng ảnh đẹp là phải có gái đẹp. Có những cô bé teen lên diễn đàn đăng thông tin về bản thân kèm số đo 3 vòng nhờ chụp hộ các kiểu uốn éo rất quái gở. Có những tay thợ liên lạc đòi xem ảnh trước xem có xinh không rồi mới chụp. Có những cuộc trao đổi mặc cả chiêm ngưỡng xác thịt. Và có những người thợ phải bỏ tiền ra thuê mẫu vì không có ai chịu cho chụp.
  8. Học chung cho vui: Bạn của bạn đi học thêm. Bạn cũng đi học thêm cho vui. Bạn của bạn nghỉ. Bạn cũng nghỉ. Rốt cuộc bạn đi học vì a dua lôi kéo chứ không phải vì kiến thức. Sau này lên đại học, bạn cũng chọn một ngành mà mình không rõ có thích không vì xã hội cho nó hot, ba me nghĩ không lo thất nghiệp, bạn bè của bạn cũng đăng ký. Tốt nghiệp, bạn ngơ ngác vì đã chọn nhầm con đường để đi.
  9. Đại học là con đường duy nhất: Thời buổi này mà không có bằng đại học thì không làm được gì cả. Nghen quen không? Thực ra không phải. Thứ nhất là với chút tìm tòi và khám phá, bạn có thể tự học được những kiến thức quý giá và hiện đại hơn cả trên trường. Thứ hai là đại học không phải con đường tốt nhất cho tất cả mọi người. Những cử nhân học 4 năm tốt nghiệp vác bằng đi xin có khi còn khó hơn, lương thấp hơn một thợ bậc 3/7 học 3 năm tốt nghiệp các trường dạy nghề phổ thông ra.
  10. Cần cù: Xã hội có thói quen đề cao những người chăm chỉ bất chấp sự chăm chỉ đó chỉ là ngụy trang của những tư duy lười biếng. Một học sinh học ngày học đêm được nêu làm gương, bất chấp bạn ta có tiêu hóa và ứng dụng được những thứ đã học không. Một nhân viên đi sớm về trễ, lúc nào cũng bận rộn và căng thẳng, được tuyên dương dù thành quả anh mang lại không đến mức đó. Sự chăm chỉ lao động là biểu hiện của lười biếng, lười biếng tư duy để làm ít đi mà đạt nhiều hơn.

Tự-Tin và Tự-Nghi-Ngờ

Điểm chung của những ví dụ trên là (1) làm theo đám đông và (2) sự cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Bất chấp việc đó có đúng, có phù hợp với giá trị của mình hay không. Người cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người là người chưa định hình được hệ thống cá tính và niềm tin của mình. Khi bạn không biết nói không với những đòi hỏi vô lý từ người khác, bạn đang truyền thông điệp: “Ý kiến của tôi không quan trọng bằng bạn cho nên bạn cứ thoải mái áp đặt tư tưởng của bạn lên”.

Ăn kiêng thông tin là một kỹ năng quan trọng phải học. Ăn kiêng xã hội là bà con gần với ăn kiêng truyền thông. Qua đó, bạn cần phát triển khả năng nhận thức về ảnh hưởng xã hội và tỉnh táo xem xét xem những niềm tin đó có đúng hay chưa. Mỗi khi bạn cảm nhận mình đang mâu thuẫn giữa niềm tin, hành vi, và cảm xúc, bạn hãy tự hỏi chính mình xem bạn có thực sự tin vào những gì mình đã được dạy? Điều đó có đúng và chính xác không? Tự hỏi “Nếu ngược lại thì sao?”. Hầu hết những khám phá ngọt ngào nhất trong đời bạn là khi bạn nhận thức được chân giá trị của mình, không phải giá trị của người khác.

Trường học. Ký túc xá. Công sở. Trong một xã hội thu nhỏ đầy ắp những chặp cười chua, phiếm luận chanh cốm, giai điệu biến thái đột ngột và những từ ngữ phi lý, lạ tai. Đầu tôi ù đi, vừa bị cuốn vào, vừa bị đẩy ra cái vòng xoáy ồn tạp, tạp nhạp rối rít. Ở bạn đã xem có những chuẩn mực đạo đức là dối trá, vô bổ, vô lý. Ở bạn đã có phê phán những tình cảm thiêng liêng với gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu là vô nghĩa. Ở bạn không có ước mơ đam mê tuổi trẻ mà chỉ có Ipad, Iphone trong khi vẫn là kẻ ăn mày trong gia đình. Đó đều là những ảnh hưởng xã hội nặng nề và cần nhiều thời gian để loại bỏ.

Tự-tin giải phóng bạn. Tự-nghi-ngờ kiềm hãm bạn. Mỗi người đều có ý kiến riêng bạn nên sống ra sao. Ăn kiêng đi. Tập bài thể dục này. Xem phim này chưa. Lấy anh nào giàu ấy. Học ngành này mới hot. Cuối tuần ở nhà cho khỏe đi du lịch làm gì cho mệt thân.

Hãy mỉm cười, và lờ đi tất cả. Bởi bạn tin vào hệ giá trị của mình.

 

3 Comments

  • Tuan phamtominh says:

    Tôi ấn tượng với bài này, nhưng thực sự rất khó tách bạch giữa những điều nên theo & không theo trong bầu không khí xã hội mà mình đang sống, nhất là khi chúng ta đang phát triển & trưởng thành hơn từng ngày. Ví dụ một năm trước có nhiều điều tôi thấy không chấp nhận được trong gia đình, môi trường làm việc & cả tình yêu, nhưng bây giờ nhìn nhận lại, lại thấy mình lúc đấy trẻ con & đã đánh giá sai quá nửa. Liệu 1 năm nữa những niềm tin, và cả niềm-ko-tin của tôi hôm nay, sẽ còn – mất được mấy phần?

  • baobao says:

    Cảm ơn tác giả vì bài viết rất sâu sắc! Nó đã giúp tôi thay đổi rất nhiều. Trước kia, tôi thường cố gắng sống cho vừa lòng tất cả mọi người, làm giống mọi người để không thấy mình lạc lõng. Mỗi ngày trôi qua như vậy, tôi đều cảm thấy rất mệt mỏi. Đến một ngày, tôi nhận ra mình muốn sống theo cách của riêng mình, làm những việc mình cho rằng thực sự có ý nghĩa, và tôi thay đổi. Đọc bài viết này, tôi thấy mình có thêm động lực, để \”tin vào chính mình và hệ giá trị của mình\”.
    Giờ đây, tôi thấy mỗi ngày trong cuộc đời mình đều thật đẹp!

    • wind says:

      Tôi cũng vậy, chỉ là nhiều lúc cảm giác bản thân quá vô vị, nếu k làm vậy thì sẽ lạc lõng lắm, và rồi chìm trong sự mệt mỏi khi cảm thấy bị xem thường. Cảm ơn tác giả vì bài viết!

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...