Skip to main content

“Thời giờ thì ngắn ngủi, sức của tôi thì có giới hạn, văn phòng là nỗi kinh hoàng, căn hộ thì ồn ào, và nếu một cuộc sống thành thật, dễ chịu là bất khả thì một người phải cố gắng quằn quại qua bằng những chuyển động tinh tế.”
– Franz Kafka, nhà văn.

Một ngày của bạn như thế nào?

Năm 2017. Mỗi sáng thức dậy, tôi cho cơ thể đẫm mồ hôi với 75 reps kettlebell, cho não 20 trang sách phi tiểu thuyết, cho bụng một bữa sáng luôn kèm trứng và chuối, và cho tai vài bản nhạc tươi vui. Cuốc xe máy lạng lách đến chỗ làm bao giờ cũng là dịp học thêm gì đó từ sách nói hoặc podcast. Sau khi đã dành đủ 2 tiếng cho bản thân, tôi thường ngồi đồng vào bàn làm việc từ 09:00 cho đến tối, được đồng hành bởi một ly cafe sữa quế dầu dừa và danh sách nhạc không lời lời yêu thích. Dồn dập thúc đẩy là công việc nhà quản lý bị ngắt thành những quãng 20 phút, khiến đôi khi anh chàng hướng nội ngã lòng tưởng tượng đến cảnh nhảy qua cửa sổ. Đều đặn mỗi buổi một lần để chạy trốn đám đông, chàng chuồn vào toilet, ngấu nghiến đọc đủ vài chục trang sách mới đi ra. Đến 20:30, bộ não đã tắt nguồn nhưng trái tim vẫn đập rộn ràng, tôi tạm biệt thế giới thực để lạc vào xứ sở thần tiên của anime-manga-videogames-điện ảnh-sách vở…

Nhưng tôi chỉ là anh tài tử với chút nghề trong tay. Nếu bạn muốn học được gì đó, hãy học từ những nghệ sĩ lớn.

Những người thành công nhất làm gì ngay khi thức dậy? Hay làm gì trước khi ngủ? Tác giả, nghệ sĩ, những người sáng tạo kiến thiết “cảm hứng” như thế nào? Họ ngủ ít hay nhiều? Có dùng chất kích thích? Tập thể dục gì? Quan hệ xã hội ra sao?

Câu trả lời sẽ giúp bạn tối ưu lịch trình thường nhật để làm việc bạn muốn làm.

Những Nghi Thức Thường Nhật

 

Nghi thức thường nhật là gì? Tác giả Mason Curey đã trả lời trong phần mở đầu cuốn sách Daily Rituals. “Có nghi thức thường nhật là đưa cuộc sống vào chế độ tự động lái. Dưới bàn tay của những trí tuệ đúng đắn, nghi thức thường nhật có thể trở thành một hệ thống cân chỉnh tinh tế để tận dụng những nguồn lực hạn chế nhất đời người: thời gian, cũng như ý chí, sự kỷ luật, và sự lạc quan. Một nghi thức bền vững sẽ nuôi dưỡng một con đường mòn cho ta sử dụng năng lượng hiệu quả và phòng tránh những lúc tâm tình muốn bạo hành. Có thói quen tốt, ta có thể giải phóng tâm trí để tiến đến những hành động thực sự thú vị.

Daily Rituals mô tả gọn gàng hoạt động thường nhật của 161 những bộ óc con người vĩ đại nhất trong 400 năm qua – tác giả sách, họa sĩ, triết gia, kịch tác gia, khoa học gia, nhà toán học. Họ đã khéo léo vượt qua chướng ngại vật (tự gây ra) và thiết lập nghi thức thường nhật (tự chịu đựng) để hoàn thành công việc họ muốn làm như thế nào. Quyển sách là một mỏ ngọc quý chờ bạn khai thác.

Daily Rituals nhanh chóng trở thành bạn đồng hành mỗi sáng của tôi. Những khi mất hứng làm việc, tôi lại giở sách ra, đọc vài trang và cảm nhận nguồn chảy sáng tạo tuôn chảy. Kỳ dị thay, cuốn sách này cũng làm tôi cảm thấy khuây khỏa về thói hư tật xấu của chính mình.

Cách Nghệ Sĩ Làm Việc

“Đôi khi tôi không hiểu vì sao tay tôi không rụng khỏi cơ thể bởi mệt nhọc, vì sao não tôi không tan chảy ra. Tôi đang sống một đời khắc khổ, bị lột sạch hết những lạc thú bên ngoài, và đang được chống đỡ duy nhất bởi cơn điên cuồng thường trực, vốn đôi khi khiến tôi ứa những giọt nước mắt bất lực nhưng chưa bao giờ làm nhụt khí. Tôi yêu công việc của tôi với một tình yêu vừa điên rồ vừa dâm tà, như một nhà khổ hạnh yêu chiếc áo vải tóc cà lên bụng anh ta. Đôi lúc, khi tôi trống rỗng, khi từ ngữ không đến, khi tôi thấy tôi vẫn chưa viết được một câu nào sau khi nguệch ngoạc cả trang giấy, tôi sụp đổ xuống chiếc đi văng và nằm đó mê mụ, sa lầy vào vũng bùn tuyệt vọng, tự ghét mình và tự trách mình vì lòng kiêu hãnh điên cuồng khiến mình khao khát một điều hão huyền. Một phần tư tiếng sau, mọi thứ đã thay đổi; trái tim tôi lại đập với niềm vui.”
– Gustave Flaubert, nhà văn

Do khác biệt về văn hóa, có thể bạn sẽ không biết tên của những nghệ sĩ trong cuốn sách – và vì thế, không đọng lại gì sau khi đọc lịch trình kỳ dị của những nghệ sĩ lớn này. Không sao cả. Bạn chỉ cần nhớ hai điều sau:

1. Mỗi người đều có nghi thức thường nhật riêng phù hợp với họ nhất để làm công việc sáng tạo. Beethoven thường dậy sớm, vừa rửa tay vừa rống tiếng hát, chỉ uống độc cafe với đúng 60 hạt cho bữa sáng, rồi ngồi làm việc đến chiều với những phiên đi bộ ngoài trời ngắt quãng. Benjamin Franklin theo đuổi “sự hoàn hảo đạo đức” theo một kế hoạch 13 tuần chặt chẽ, mỗi tuần tận tụy cho một đức tính như sạch sẽ, điều độ, chừng mực. Jane Austen đã hoàn thành tiểu thuyết Kiêu Hãnh và Định Kiến khi vẫn đều đặn làm bà nội trợ: bà dậy sớm trước mọi người, chơi piano, rồi dọn bữa sáng cho toàn gia đình, sau đó ngồi viết trong phòng khách trên những tấm giấy nhỏ, dễ dàng giấu đi nếu có khách đến.

Ai đó đã sáng tạo thành công loại tác phẩm mà bạn muốn làm. Mỗi người có một cách riêng để sáng tạo, và bạn cũng vậy. Mọi bắt chước thiếu sự điều chỉnh tham chiếu với bản thân đều mất tác dụng. Nhưng có vài DNA sáng tạo chung mà bạn có thể vay mượn:

  • Họ thiết lập môi trường tránh bị làm phiền, bằng cách làm việc tập trung cao độ để đạt một quota nhất định (3-6 tiếng) vào sáng sớm hoặc tối muộn (thay vì lịch công sở 9-5).
  • Họ tản bộ dài cho kích thích trí não, thường là sáng sớm, sau khi ăn trưa hoặc tối sớm.
  • Một số người vẫn làm việc công sở 9-5 đều đặn, trong khi dành thời gian sáng tạo ngoài luồng.
  • Một số lạm dụng một lượng đáng nể café, thuốc lá, rượu, thậm chí cả thuốc kích thích và trợ giấc ngủ. Chúng giúp họ sáng tạo hơn nhưng cuối cùng thì tác động tiêu cực đến cuộc đời họ.

2. Những anh hùng và vĩ nhân trong tâm trí bạn đều là những khuyết điểm biết đi đã tận dụng được một hai điểm mạnh nhất. Karl Marx viết Tư Bản Luận khi cả đời chưa bao giờ có công việc đều đặn, sống nhờ viện trợ từ bạn bè và xài sạch bách ngay sau đó với chả có tí gì kỹ năng quản lý tiền bạc. Sigmund Freud không có khả năng tự chăm sóc chính mình, phải nhờ vợ chọn áo quần, khăn tay, và thậm chí bôi kem đánh răng lên bàn chải – để tập trung độc nhất tâm trí cho công việc. Haruki Murakami từ chối mọi mối quan hệ xã hội để tập trung viết sách, nhấn mạnh rằng “Độc giả sẽ đón nhận bất kỳ lối sống nào tôi chọn, miễn rằng tôi bảo đảm mỗi tác phẩm mới sẽ cải thiện hơn tác phẩm trước. Và không phải đó là nghĩa vụ – và ưu tiên hàng đầu của tôi – dưới vai trò một tiểu thuyết gia sao?”

Con người là sinh vật không hoàn hảo. Sự ngăn nắp của người này là cơn ác mộng của người kia. Có người chấp nhận cuộc sống không giao tiếp xã hội. Có người lấy cảm hứng từ chè chén tiệc tùng. Có người có thể viết bất kỳ đâu miễn là trên một mặt phẳng. Có người phải tự nhốt mình vào phòng khách sạn tồi tàn thì mới hoàn thành tác phẩm. Bạn “thành công” không phải bởi vì bạn không có điểm yếu, bạn thành công vì bạn đã tìm ra điểm mạnh độc đáo của riêng mình và tập trung phát triển những thói quen xung quanh chúng. Mọi người đều đang chiến đấu một cuộc chiến bạn không hề hay biết. Mọi người đều đang vật lộn. Những nghệ sĩ trong sách này cũng vậy. Hãy tìm niềm khuây khỏa từ đó.

 
Infographic lấy cảm hứng từ cuốn sách. Tạo bởi infowetrust.com

Thói quen hay tập tính nào bạn thấy hữu ích nhất trong cuộc sống cá nhân hoặc cuộc sống công việc? Bạn học được thói quen đó từ đâu? Bình luận ở dưới nhé.

5 Comments

  • Nht says:

    Bài viết rất hay 😀 tks bro. Mình học được thói quen là thay đổi con đường mình đi làm hay về nhà để có thể tạo ra sự khác biệt kích thích sáng tạo. Mình học được qua 1 cuốn sách của tác giả Lai H rất nhiều điều hay

  • Anonymous says:

    Sau mình không có thói quen nào hữu ích hết vậy nè. Mỗi ngày trôi qua sau cứ đều đều, cứ lừ đừ, không có những lúc tập trung cao độ, cũng chẳng khi nào mệt lã người, không thích cafe nhưng nước cam thì lại vô tác dụng. Nghỉ tới mà thấy nản.

    • Anonymous says:

      Hi người anh em. Mình cũng đang trải qua cái cám giác bạn đang trải qua. 🤣🤣 và mình quyết định xa lánh thiết bị điện tử, fb, game, bạn nhậu.. Thay vào đó mình chạy đến phong gym, dậy sớm và nghe nhạc trước khi đi làm. Mình cảm thấy khá hơn rất nhiều, bạn có thể thử qua xem sao. Chúc mạnh mẽ!

  • Ngoc An says:

    a Nhat giải thích kỹ hơn giúp em về mục ” Making Ends Meet” nhé

  • Anonymous says:

    dạ bài viết hay lắm ạ

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...