Skip to main content

Bất chấp cái nóng dã man và độ ẩm cao ngất ngưỡng, du khách đến Sri Lanka tăng dần đều 10% mỗi năm. Tiếng lành đồn xa, đảo “giọt lệ Ấn Độ” Sri Lanka thu hút mọi người vì sự đa dạng cảnh quan và thuận tiện đi lại.

Chỉ vài tiếng tàu xe là tôi đã có thể đến tránh nóng ở bãi biển hoang sơ phía Nam, đi safari xem những đàn voi đông đảo nhất thế giới, lên tỉnh đồi mát rượi uống những ly trà đỉnh cao, leo 5,000 bậc thanh hành hương, đắm chìm trong văn hóa với những điệu nhảy Kandyan và các tàn tích cổ ở tam giác văn hóa.

Sri Lanka hừng hực cơn sốt của cái nóng và của sức hấp dẫn rực rỡ sắc màu Nam Á. Tôi đã trải qua 18 ngày vòng quanh “hòn ngọc Ấn Độ Dương” bằng xe lửa và bus như thế.

Nếu bạn ngại đọc chữ, hãy tìm hiểu chuyến đi bằng cách click vào gallery xem đủ 70+ hình đẹp mê ly.

Ngày 01: Những Đại Sứ Văn Hóa Không-Chính-Thức Ở Colombo

Xuất hiện trên những chiếc xe 3 bánh màu trơn, các tài xế tuk tuk chính là đại sứ văn hóa không-chính-thức của Sri Lanka. Họ chủ động chào bạn bằng đủ thứ tiếng. Họ biết tất cả ngóc ngách và sẵn lòng khoe các điểm tham quan trong thành phố.

Nếu không may mắn, tài xế tuk tuk cũng có thể là màn lừa đảo đầu tiên bạn phải dính. Họ sẽ tha thiết bảo rằng xe bus và tàu lửa đi mất tiêu rồi, giờ chỉ có họ mới cứu vớt được đời bạn mà thôi. Họ sẽ chạy vòng vèo, rồi đột ngột không thỏa thuận trước mà lách vào cửa hàng bán đá quý đặc sản Sri Lanka. Họ sẽ hét một cái giá cao gấp 3 lần khi bạn trả tiền. “Đắt quá!”. Bạn nhăn mặt! Tức thì một màn kịch xuất sắc được biểu diễn. Họ sẽ giật nảy người ôm đầu khóc, rồi cười cười như thể bạn vừa nói gì ghê gớm lắm, lỡ nói rồi thì nói ra luôn đi đừng ngại…

…Và tôi đã bị lừa 3,000LKR cho (22USD) như thế. Thực ra ai cũng có thể lừa được Đại Nhật hết. Đại Nhật vốn cả tin và thương người. Không để ý rằng tài xế đã giấu đồng hồ đo giờ và khoảng cách đi. Kể từ đó về sau, tôi bật chế độ Tào Tháo lên với mọi tài xế tuk tuk.

Colombo là nơi xuất sắc để khởi đầu hay kết thúc chuyến hành trình Sri Lanka của bạn. Một ngày ở đây đủ cho bạn đi hết chợ Pettah, viện bảo tàng quốc gia, chùa chứa mái tóc Đức Phật và dạo các công trình thực dân cũ. Mà như Pinar – người bạn Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc ở Sri Lanka của tôi bảo, Colombo là phần tệ nhất của xứ này.

Mọi thứ có vẻ hứa hẹn. Ít ra là ly Arrack (nước dừa lên men) cũng làm tôi lạc quan hơn sau một vố bị tuk tuk lừa đau đớn.

Ngày 03. Pháo Đài Cổ Galle

Đập vỡ trái dừa (50 LKR – rẻ như cho!) ra, tôi uống một ngụp trên chuyến xe lửa (110 LKR – rẻ như cho!) về bờ nam lãng mạn.

Galle là điểm tôi dừng đầu tiên ở bờ nam Sri Lanka. Ở đây có một pháo đài xây dựng năm 1663 bởi người Hà Lan và Bồ Đào Nha, sừng sững 36 hectare bao quanh bởi 3 mặt biển. Cả pháo đài là một viện bảo tàng sống chứa đựng 4 thể ký lịch sử. Khi cái nóng hừng hực trôi đi, tôi cũng trôi ra đường khám phá những nhà thờ cổ và những cửa hàng boutique nhỏ xinh mới mọc. Ngồi xuống hớp lấy một ngụm café Sri Lanka lạt miệng, vẫy tay chào các em học sinh da đen nổi bật trên màu áo trắng, vẳng tai nghe tiếng nhạc Sinhanlese, có những buổi chiều mà tôi chẳng muốn làm gì cả ngoài lặng lẽ nếm cuộc sống đang trôi qua rất đẹp quanh mình.

Tim tôi đập theo nhịp sóng biển khi chờ hoàng hôn trên tường thành. Một anh chàng tự giới thiệu là Raha đến bắt chuyện. Anh làm ở tiệm đá quý nên kể hết mánh nhận biết lừa đảo. Du khách Trung Quốc bị lừa nhiều lắm… Những tiệm nào có giấy chứng nhận đàng hoàng thì hẵng vào… Đá ở đây độc nhất là ruby và blue sapphire đấy… Thứ tiếng Anh gãy vụn của anh hòa lẫn vào tiếng sóng biển. Ông Tào Tháo trong tôi giờ đốt thêm đèn cảnh cáo với cả những cửa hàng đá quý.

Mặt trời lặn xuống duyên một đường vàng cam mọng lộng lẫy trên bờ biển. Trăng leo lên cao. Rùa biển bò lên bờ đẻ trứng dưới ánh trăng mờ ảo. Men theo những con hẻm, tôi lại lạc vào một nhà hàng thắp nến ăn cơm với 10 loại cari chỉ hết 120,000đ. Có nên ăn thêm kem Ý không? Hay là mình vào uống một chai bia quốc danh Lion với anh bạn mắt xanh đó?

Những đêm ở bờ biển phía Nam vẫn còn tiếp tục.

Ngày 05. Cuộc Săn Lùng Động Vật Lớn Nhất Trái Đất ở Mirissa

Rời Galle, tôi đón bus (60 LKR – rẻ như cho) đến Mirissa. Có gì hay ở cái tên nên thơ này? Mọi thứ bắt đầu một bãi nôn.

Dịch acid trong bụng tôi lội ngược dòng lên miệng trào ra thùng rác. Mùi dầu máy không phải là thứ dễ chịu, nhất là khi bạn đang dập dền trên biển săn tìm cá voi xanh. Với chiều dài 30 mét và cân nặng 170 tấn, cá voi xanh là võ sĩ vô địch hạng cân ngoại hạng có thể đè bẹp bất kỳ con khủng long nào trong công viên Jurrasic. Chúng là động vật lớn nhất quả đất. Và Mirissa là nơi phát hiện ra con cá voi xanh lớn nhất trong những con cá voi xanh còn sống.

Đầu tư 6,500LKR vào tàu Raja and the Whales là lựa chọn đúng đắn. Họ hỏi tôi có cần thuốc chống say sóng không. Nếu không gặp cá voi, họ sẽ hoàn tiền 50% hoặc cho tôi đi bữa sau miễn phí. Thủy thủ đoàn biết cách tiếp cận cá theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ thế nên thuyền chúng tôi mới gần cá voi xanh được n-h-ữ-n-g-10-p-h-ú-t. 10 phút nín thở, thưa bạn, trước khi nó vẫy chiếc đuôi đường bệ lặn sâu hàng trăm mét suốt mấy tiếng dưới đáy biển để nuốt chửng Pinochio và những con mực khổng lồ. Chúng tôi may mắn, những thuyền khác chỉ biết thở dài mệt mỏi sau 7 tiếng matxa cứng bởi sóng biển.

Tôi nôn một lần nữa. Các thủy thủ thuyền Raja lái thuyền về bờ. Thuyền rẽ sóng dập dền. Họ nghêu ngao hát. Ngoài biển, trẻ em đang đuổi theo một trái bóng tròn.

Ngày 07. Đắm Mình Trong Vườn Địa Đàng ở Uda Walawe

Sau khi xuống biển ngắm cá, tôi đáp bus vòng lên công viên quốc gia Uda Walawe cho một chuyến Safari nóng đổ lửa. Ngắm voi hoang dã thì ở đây đỉnh hơn cả châu Phi với hơn 600 con voi sống thành từng đàn.

Uda Walawe mang một vẻ đẹp hoang vu ít chỗ “núp lùm” nên tôi dễ chộp được những tấm hình đẹp. Lái xe qua đây bạn cũng sẽ được nghe một bản hòa tấu chim chip, vo ve, gầm gừ. Một gói safari từ xe jeep đến vé vào cổng ngốn 5,000LKR. Tài xế, một thanh niên trẻ măng, lái rất mượt và dừng rất đúng lúc để chỉ ra những giống chim-khỉ-voi-trâu nước-hươu samba-báo. Tiếng Anh hạn chế thì cậu mau tay lật sách chỉ mặt chỉ lông chỉ cánh chỉ vòi đọc tên cho du khách.

Một buổi sáng ở Uda Walawe là quá đủ để bạn thấy hết các loài động vật. Từ chỗ này đến chỗ kia ở Sri Lanka bạn có thể đi bus hay tàu lửa. Tôi đi cả hai. Bus nào cũng xập xình bộ tuyển tập nhạc tiếng Sinhalese theo gu tài xế. Trên đầu bus là tượng phật. Sau lưng tài xế là poster thần Shiva. Tôi vái cả hai. Cầu thần shiva đừng huỷ diệt xe này và cầu phật làm cho chuyến hành trình bớt khổ. Bảo hiểm kép. Tài xế đây phóng bạt mạng quá.

Tôi đứng giữa xe bus. Xe chật kín không còn chỗ ngồi. Em bé nhìn tôi. Cụ già nhìn tôi. Thanh niên nhìn tôi. Mặt tôi dính gì sao? À một lớp da vàng. Giữa rừng da đen như thế thì dáng vẻ hồng hào trắng trẻo thư sinh cũng coi như toả hào quang. Tôi thấy mình giống như những chú voi trong Uda Walawe.

Một bạn thanh niên khều khều nhường ghế cho tôi. Này, anh ngồi xuống đi anh từ đâu đến anh đã cưới chưa anh ở chơi bao lâu?… Màn chào hỏi thân thiện quen thuộc của người Sri lanka. Tôi trả lời bằng nụ cười. Giờ thì tôi thấy mình là một con người.

Ngày 09. Uống Một Chiều Trà Ở Ella

Bus đỗ xịt vào. Cô chủ nhà đon đả bưng ấm trà mời tôi. Vị trà đen Ceylon giòn mát xua tan không khí ẩm ở Ella.

Ella thuộc nhóm các thị trấn ở khu vực đồi núi trung tâm Sri Lanka. Thị trấn nhỏ xinh trên đồi này là nơi dừng chân lý tưởng để thoát cái nóng, đi bộ băng qua những vườn trà xanh mát, thăm các tu viện cổ xưa 200 năm tuổi, ăn những “món ngon nhà làm” ngon nhất xứ, và uống thật nhiều nhiều trà.

Trà Sri Lanka nổi tiếng xuất khẩu đứng thứ 04 thế giới. Trong khi nhà tư bản Thomas Lipton đã đến đây để xây dựng đế chế bằng cách mua các trang trại trà công nghiệp, thì Merrill J. Fernando người bản địa lại trung thành với trà truyền thống và đặt tên thương hiệu theo tên của hai con trai Dilhan and Malik: Dilmah. Những gói trà từ Sri Lanka giờ đây có mặt và được ưa chuộng khắp thế giới.

Tôi uống trà Sri Lanka mỗi ngày. Trà là thức uống chào ánh nắng bình minh. Trà là liều kích thích óc làm việc buổi chiều. Trà cũng là thuốc an thần để trái tim tôi đập đều lại sau một vụ thất lạc đồ dầy kịch tính. Đã có một chàng trai đi vào lịch sử Ella như người Việt Nam đầu tiên thất lạc đồ trên tuk tuk. Không thể như thế được, cảnh sát tận tình hỏi chi tiết. Họ lấy xe hơi chở tôi. Họ không nói tiếng Anh tốt nên lôi theo một anh hướng dẫn viên. 5 anh em trên một chiếc xe hơi đi điều tra. Họ hỏi thăm tất cả tài xế tuk tuk trong khu vực. Dưới sức nóng mặt trời, quốc kỳ sư tử cầm gươm điểm 4 lá bồ đề treo trên xe bay phấp phới.

Hai tiếng sau, nghiệp vụ cảnh sát đã trao vật về khổ chủ. Ông Tào Tháo trong chàng đã bị đá đít. Cảnh sát lắc lưu đầu cười với chàng: “Cảnh sát Sri Lanka giỏi không?”

Đỉnh!

Ngày 11: Chốn Tận Cùng Thế Giới Đắt Đỏ

Khu vực đồi ở Sri Lanka còn là điểm xuất phát lý tưởng cho hai điểm tham quan ấn tượng ở Sri Lanka.

Bắt đầu tại Nuwara Eliya, tôi lắc đầu le lưỡi trước cái giá đắt đỏ khủng khiếp để khám phá chốn tận cùng thế giới ở cao nguyên Horton. 2,000LKR cho xe đưa đón. 3,000LKR chưa thuế cho vé vào cổng.

Có đáng không? Horton là công viên quốc gia duy nhất bạn có thể tản bộ đến gần các cư dân hoang dã thay vì ngồi với ống nhòm trên xe jeep. Cao nguyên xanh mượt đa dạng thảm thực vật. Hươu long nhong tò mò đến gần bạn. Báo lảng tránh sau rừng cây. Rồi mọi thứ đột ngột kết thúc tại chốn tận cùng thế giới – một đỉnh cao nơi bạn có thể phóng tầm mắt khắp Nam Sri Lanka, các thị trấn im lìm bên cạnh đồn điền chè. Cảnh vật đẹp nhất trước 09:00 nên bạn phải chịu khó hành xác mà dậy lúc 05:00 để đi cho kịp.

Cuộc bạo hành thân xác của tôi vẫn chưa kết thúc. Đêm đó, tôi lại đón chuyến tàu đêm. Toa xe hạng 3 chật ních người địa phương xuất hiện một chàng da vàng hốt hoảng. Vài thanh niên lườm lườm nhìn chàng, kéo tuột chàng đi khắp các toa, kiếm một chỗ ngồi cho chàng, rủ chàng uống café Sihanlese nhạt thếch. Chàng uống và cười, nụ cười mở màn cho một cuộc hành hương suốt 12 tiếng lên đỉnh Adam.

Ngày 12: Cuộc Hành Hương Lúc Nửa Đêm

Đây là điểm hành hương linh ứng hơn 1,000 năm qua. Người gọi đây là đỉnh Adam – nơi “trai đẹp trục xuất khỏi thiên đường” Adam lần đầu tiên đặt chân xuống hạ giới. Người gọi đây là Sri Pada – dấu chân thiêng của Đức Phật để lại khi ngài thăng thiên. Người gọi đây là Samanalakande – Điệp Sơn, nơi bướm đến để chết. Tôi gọi đây là cuộc hành hương năm nghìn bậc thang –  leo hơn 5,000 bậc thang mới là thử thách của bậc Phật Tử.

Tất cả mọi người dân Sri Lanka và những du khách hiếu kỳ rồng rắn kéo lên vào mùa hành hương từ tháng 12 đến tháng 05. Chớ dại mà đi vào cuối tuần hay ngày rằm poya, cuộc hành hương đông nghịt người sẽ biến thành hành xác.

Dưới bậc thềm inh ỏi cửa hàng bán lẻ bày bán đủ loại mứt. Cách vài chục bậc thang lại có một cửa hàng, cứ thế cho đến đỉnh. Các hàng quán giải khát tiếp sức giăng đèn thâu đêm. Đêm tối tĩnh mịnh mà không khí vui như hội. Người lớn mặc vải trắng tôn kính leo thong thả lên đỉnh. Bé nhỏ cầm bông sen trong tay. Thanh niên hội nhóm vừa đi vừa hô vang:

“Chúng con tôn kính ngài, ôi Đức Phật

Xin ngài hãy cho chúng con lòng dũng cảm để leo đỉnh Adam”

Kiểu hành hương của người Sri Lanka đấy.

Tại sao bạn leo đỉnh Adam? Mình muốn bày tỏ lòng tôn kính với Đức Phật, đây là lần thứ 15. Anh muốn thực hiện lời hứa với Đức Phật, anh 3 năm với vợ không có con, nhờ bạn lên đây thành tâm cầu xin mà 1 tuần sau có ngay. Tôi? Tôi muốn thấy con người Sri Lanka sinh hoạt tâm linh như thế nào, và muốn tìm nơi tham quan vừa miễn phí vừa ở đỉnh cao để ngắm bình minh. Mong ước lãng mạn đó đã khiến tôi gia nhập đoàn người hành hương quỳ lạy dưới dấu chân Người.

Tôi leo lúc 02:00 mà mãi đến 14:00 mới hạ sơn. Những bậc thang cuối cùng thắt cổ chai, dòng người tắt nghẽn, thiêu đốt dưới ánh nắng. Ánh mặt trời dần lên, tôi hân hoan chào đón bình minh bao nhiêu thì tiu nghỉu thất vọng thấy rác rưởi vất rất hồn nhiên ở chỗ linh thiêng.

Ở một đền thờ nhỏ như trên mây, là dấu tích chân của người. 5,000 bậc thang làm tôi rũ sạch mọi suy nghĩ, chỉ còn giữ được trong đầu một chữ: “Mệt”. Từng người một thẩy đồng xu phủ phục dưới chân. Kèn trống vang xua đuổi tà tâm. Thế là cuộc hành hương lúc nửa đêm đã kết thúc dưới ánh sáng mặt trời.

Mặt Trời soi rọi cảnh vật ban ngày đầy sức sống hoàn toàn khác hẳn với không khí u tịch đêm khuya. Phật tử ở Sri Lanka để lại cho con nhiều dấu hỏi. Chùa ở Colombo phản ứng ra sao khi bị kiện vì hành chết một chú voi? Vì sao thầy tu lại ám sát thủ lĩnh chính trị? Vì sao phật tử lại chủ động tấn công người Muslim? …

Rồi những câu hỏi đó lại dẫn con tìm về với chính mình. Đó là kiểu hành hương của con.

Ngày 13. Điệu Nhảy Kandyan ở Kandy

Đi xe lửa ở Sri Lanka là một thú vui để bạn nhẩn nha nhấm nháp. Bên ngoài cửa sổ là cảnh vật của vườn địa đàng. Bên trong toa tàu là một thế giới sôi động của người rao vặt và những nghệ sĩ ngẫu hứng. Nếu Saigon có du ca đường phố thì Sri Lanka có du ca hỏa xa. Chỉ cần một cái trống tạo beat, là họ nghêu ngao hát không biết mệt suốt chuyến đi.

Chuyến xe lửa từ Hatton dừng hơn 1286123 trạm mới đến được Kandy. Kandy được công nhận là thành phố văn hóa di sản Unesco. Mọi thứ hay ho nhất tập trung quanh một khu hồ lớn.

Ngay quanh hồ là đền chứa di tích răng Phật. Đức Phật ra đi để lại đây một mảnh tóc và một cái răng mà dân ở đây dựng được lên những 2 ngôi đền, tính phí đắt lè lưỡi du khách. Tôi thì chẳng quan tâm lắm đến canxi với carbon của một người nên chỉ vào ngắm kiến trúc ngôi đền thôi, còn di tích từ ngài thì nhìn nhưng không quỳ lạy. Có lẽ chính ngài cũng không muốn những điều mình dạy trở thàn một tôn giáo.

Bên cạnh đền là trung tâm văn hóa Kandyan. Năm giờ chiều mỗi ngày, các vũ công biểu diễn điệu nhảy Kandyan mê hoặc ở đây khiến khán giả dính chặt vào ghế ngồi. Tiếng trống và tiếng tù và mở màn để tìm kiếm sự bảo hộ của chư thần. Đèn dầu thắp lên. Kia là điệu nhảy công để chở Skanda thần chiến tranh của Ceylon. Kia là điệu nhảy chiến tranh Panteru mạnh mẽ với các pha nhào lộn ngoạn mục. Kia là màu sắc sặc sỡ của điệu nhảy thu hoạch mùa màng duyên dáng. Kia là điệu múa lửa chinh phục 27 quỷ dữ thể hiện niềm tin gan thép sẽ bảo vệ họ không bị thiêu đốt bởi ngọn lửa. Kia là điệu nhảy Ves Natuma với trang phục truyền thống điểm 64 trang sức huy hoàng tượng trưng cho ánh mặt trời….

Ngày 15: Tam Giá Văn Hóa Sigiriya – Ponolaruwa – Annuradapha

Kể từ năm 2009 kết thúc cuộc nội chiến ở miền Bắc, Sri Lanka đã thay đổi. Du lịch mở toang cửa đón chào, giá vé đồng loạt tăng lên ít nhất 500LKR nữa đắt đến chảy nước mắt. Sri Lanka có lẽ cũng là nước đạt kỷ lục về chênh lệch giá cả giữa du khách và dân địa phương. Du khách phải trả giá gấp 90 lần dân bản địa (4,500LKR vs 50LKR).

Nằm ở phía Bắc Kandy là những khu vực khô nóng trần trụi bao phủ bởi rừng, bụi rậm và núi trồi lên. Đây từng là vùng đất của Đức Vua, nơi chứng kiến sự phát triển, hưng thịnh, rồi lụi tàn của nền văn minh Sinhalese. Giờ đây được gọi là vùng Tam Giác Văn Hóa, kết nối với nhau thuận tiện bởi tàu lửa hoặc xe bus.

Thời gian đã không tử tế với những thành phố cổ này. Người Ấn Độ đã tàn phá quá nhiều. Cố đô đầu tiên Anuradhapura là nơi chứa những tàn tích châu Á Trung Cổ vĩ đại từ 993 năm Trước Công Nguyên. Cố đô thứ 02 Ponolaruwa nhỏ hơn cũng chỉ là phiên bản khiêm tốn của một thời hoàng kim. Khu công viên khảo cổ có hàng trăm công trình – đền đài, lăng mộ, tượng, tháp – gói gọn trong một khu trung tâm. Hòn đá nham thạnh cao 200 mét ở Sigiriya, có lẽ là hình ảnh ấn tượng nhất của Sri Lanka, được bao bọc xung quanh bởi vườn, hồ, và tường thành. Ngoài khu tham quan, tôi không có một phút giây nào bình yên bởi cái nắng nóng khói bụi và giao thông bạt mạng. Liệu thời gian rồi cũng gặm nhấm dần Tam Giác Văn Hóa?

Tạm Biệt “Trái Lê Nam Á”

Great Sun, phiên bản Sri Lanka hóa đã biết ăn bốc tay và trả giá

Great Sun, phiên bản Sri Lanka hóa đã biết ăn bốc tay và trả giá

Trên đường về, tôi ăn bốc tay món Rottu. Anh tài xế tuk tuk giơ hai ngón tay ám chỉ 2,000LKR. Tôi giật nảy người ôm đầu khóc, rồi cười cười như thể anh vừa nói gì ghê gớm lắm, lỡ nói rồi thì nói luôn đi đừng ngại…

Tôi không thích trời quá nóng. Tôi không thích trời quá lạnh. Nhưng nhìn từ cửa sổ máy bay ở Colomb, tôi thích khoảnh khắc này. Nhìn đần mặt lên bầu trời xanh, quốc kỳ sư tử 4 lá bồ đề, tôi thấy mình muốn nói cảm ơn.

Cám ơn “trái lê” Nam Á rực rỡ.

Bài đã đăng trên báo TTVH & ĐÔ số 126

Một trận rugby nơi tôi được ngồi ghế VIP xem chung với các chính khách, nhờ được bạn chủ nhà dẫn đi

Một trận rugby nơi tôi được ngồi ghế VIP xem chung với các chính khách, nhờ được bạn chủ nhà dẫn đi

Thông Tin Chuyến Đi

Thời Gian: 18 ngày (01/02/2016-18/02/2016)Chi Phí: (141,250LKR = 1USD)

  • Vé máy bay: 6,500,000VND AirAsia Hồ Chí Minh nối chuyến tại Kuala Lumpur đến Colombo
  • Visa: 30USD ~ 700,000VND
  • Tuk Tuk: 1,032,455VND
  • Xe lửa/bus: 421,025VND
  • Ăn: 1,04,325VND
  • Ở: 1,162,500VND
  • Chơi: 2,743,500VND
  • Mua: 332,475VND

Tổng: 11,213,362VND

5 gợi ý để bạn du lịch ngon-bổ-rẻ ở Sri Lanka:

  • Luôn thỏa thuận giá cả trước khi lên tuk tuk. Tài xế sẽ đòi thêm tiền khi bạn rời xe, hãy kiên định với giá cả ban đầu. Tránh tạo tiền lệ “du khách dễ bị lừa lắm” để những người đến sau bạn.
  • Không cần đặt trước phòng. Bạn chỉ cần bước vào khách sạn, thỏa thuận giá từ 1,000 – 1,500 cho một đêm bất chấp cái giá ban đầu đưa ra như thế nào.
  • Các chùa sẵn sàng cho bạn ngủ một đêm miễn phí.
  • Người dân thân thiện sẽ hỏi bạn tất cả những câu hỏi riêng tư. Họ không tọc mạch. Họ chỉ hỏi để có thể kể cho bạn nghe về công việc và gia đình của họ. Nếu bạn không thích trả lời, hãy dùng phương pháp Socrates. “Bạn theo tôn giáo gì?” “Bạn đoán là tôn giáo gì?”
  • Với nữ giới, đeo một chiếc nhẫn nơi ngón áp út, báo mình đã có chồng, đi kèm một người nữa, sẽ tránh được sự quấy rối của các Casanova địa phương.

5 Comments

  • Nguyen Toan says:

    Anh ơi bây giờ đi thì tốn khoảng bao nhiêu tiền ?

    • Quoc Dung says:

      Bạn có thể search skyscanner để biết thông tin giá của chuyến bay. Tháng 11 này mình cũng đến “Trái lê” này với chi phí vé máy bay cho 4 chặng là khoảng 5 triệu; Airasia
      Sài Gòn – Kul (khứ hồi) – Kul – CMB ( khứ hồi)
      Visa điện tử: 35USD (đã lên giá) nhanh, gọn, lẹ -> 5p sau khi thanh toán là có ngay.
      Chi phí ăn uống, khách sạn tại Srilanka mình dự trù mang theo khoảng 300USD nữa cho 7 ngày.

  • Phuong says:

    Thông tin của bài viết về chi phí không chính xác. Đặc biệt là chi phí đi lại, ăn ở, hoàn toàn không hợp lý. Từ galle đến Mirissa phải mất 40km với 60KLR điếu này là không thể được. Một cái bánh ngọt hay một cây kem đã có giá trên 100KLR rồi. Xe lửa/bus: 421,025VND, Ăn: 1,04,325VND
    Ở: 1,162,500VND, Chơi: 2,743,500VND với số ngày bạn đã đi, điều này không thể được vì khoảng cách những địa danh đó rất xa nhau. Từ colombo đến galle là từ sài gòn đến vũng tàu. Bạn muốn đi tiếp lên Ella cũng mất nữa ngày hơn, rồi đi adam gần đó. Từ Ella đến Nuwara Eliya, cũng mất khoảng 55km… Đến Ella không phải để uống trà chiếu… là để treking, xem Nine Arches Bridge…
    Từ Nuway Eliya về kandy, và từ Kandy đến vùng tam giác quay về colombo… một chặng đường dài… Mình tính cho bạn luôn chi phí theo đúng thời điểm của bạn viết cũng không thể…
    Bạn viết như vậy, người tham khảo, họ chuẩn bị tiền theo kiểu bạn viết, thì họ sẽ bị gặp sự cố rất cao khi đi du lịch Sri Lanka.

    • Hi Phương, đó là chi phí thực tế mà mình đã đi và ghi cụ thể lại từng phần. Tổng thời gian mình đi là 18+ ngày. Đương nhiên chi phí là mang tính tham khảo, và không phải ai cũng đi như mình được. Người bình thường đi thì nên +30% chi phí để an toàn.

    • Phân nửa chặng đường là mình ở Couchsurfing rồi nên tiết kiệm khá nhiều. Việc chơi thì mình xài nhiều nhất là đi safari, đi ngắm cá voi xanh, đi xem show, mua vé tham quan. Đây là chi phí thực tế của mình, nhưng mình là người có kinh nghiệm du lịch, người khác đi thì nên dự trù 20-30% nữa.

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...