Skip to main content

Bạn đã có thẻ tín dụng. Bạn đã tiêu xài hơi quá trán. Và bây giờ bạn nợ ngập đầu.

Dù muốn hay không, cuộc sống tài chính của bạn luôn luôn có nợ. Có người phân biệt nợ thành “nợ xấu” và “nợ tốt”, tùy thuộc vào giá trị món hàng mua giảm dần (xe hơi, nhà) hay tăng dần (giáo dục, nghệ thuật) theo thời gian. Người thông minh biết sử dụng nợ để làm đòn bẩy cho những toan tính khéo léo.

Nhưng nói thật lòng: có nợ không vui tí nào!

Đây là cách để bạn tiêu diệt tên chúa chổm trong mình và có mối quan hệ tốt đẹp với những chủ nợ khó tính.

Cách cho người khác vay tiền và bảo đảm đòi nợ được?

Một khoản vay là một cam kết mang tính bắt buộc, trong đó người vay phải thanh toán khoản nợ vay để đổi lấy lời hứa của người cho vay về việc cung cấp khoản vay đó. Có hai loại khoản vay:

  • Vay song phương: chỉ bao gồm một người cho vay và một người vay
  • Vay hợp vốn: khoản vay có giá trị lớn giữa một nhóm các tổ chức tín dụng

Khỏan vay có thể được bảo đảm hoặc không bảo đảm – có thế chấp hoặc không.

Đừng chỉ cho vay bằng niềm tin. Nếu số tiền cho vay có trị giá lớn, bạn nên làm một hợp đồng cho vay. Nội dung hợp đồng vay (hợp đồng tín dụng) chuẩn nên có những điều khoản sau:

  • Họ và tên người vay và người cho vay
  • Số tiền vay
  • Mục đích vay
  • Thời hạn vay
  • Điều khoản trả trước hạn
  • Lãi suất và công thức tính lãi suất
  • Điều khoản hủy bỏ và trả trước
  • Tài sản đảm bảo/ thế chấp cho khoản vay
  • Giao ước
  • Sự kiện mặc định và biện pháp khắc phục hậu quả (trường hợp không trả được nợ và những biện pháp khắc phục)
  • Điều khoản về xử phạt và bồi thường thiệ hại
  • Phí và chi phí (bao gồm phí thue xếp khoản vay, phí cam kết, phí chứng từ)
  • Đối với các khoản vay hợp vốn, điều khoản liên quan đến các trách nhiệm của các bên cung cấp khoản vay và bên bảo đảm, cũng như quyền biểu quyết của những người cho vay
  • Các bên đại diện và bảo đảm
  • Điều kiện thay đổi hoặc miễn trừ các điều khoản của hợp đồng
  • Những điều luật tham chiếu và điều chỉnh

Đặc biệt, tiền lãi là một phần không thể thiếu trong thỏa thuận vay. Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng quy định các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí giao dịch theo quy định của pháp luật. Điều 476 Bộ luật dân sự quy định lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước công bố.

Với vay song phương, hợp đồng cho vay nên được công chứng bởi chính quyền địa phương. Với cơ sở pháp lý như thế, bạn đã có thể sẵn sàng và yên tâm đi vay/cho vay rồi đó.

Nợ nần ảnh hưởng bạn như thế nào?

Theo số liệu mà nói, nợ nần về tiền bạc là chuyện bình thường. Ai cũng mắc nợ: vay học phí, mua góp xe máy, trả góp tiền nhà. Đừng nghĩ rằng bạn có một công việc làm và lãnh lương đều đặn hằng tháng là không có nợ. Chủ nợ của bạn, nhà trường, chủ nhà, đang đứng chờ bạn ở những điểm mốc phía trước.

Nhưng có thật sự bình thường khi bạn tiêu dùng nhiều hơn mức kiếm được?

Bạn không thấy hết bức tranh toàn cảnh, nhưng nợ nần nguy hiểm như một cơn ung thư vậy. Bạn không nợ ngập đầu sau một đêm, mà tích lũy mỗi ngày một ít. Có thể đến từ thói quen ăn uống thả cửa, mua sắm phóng túng, hay thích xõa ở vũ trường.

  • Kiếm sống thay vì tận hưởng cuộc sống: Với một khoảng lãi lớn phải trả hằng tháng, bạn đang làm việc để nuôi sống chủ nợ, chứ không để hưởng thụ. Mọi dự định đầu tư cũng sẽ bị trì trệ cho đến khi nào bạn thanh toán nợ.
  • Điểm tín dụng của bạn bị tụt: 30% điểm tín dụng phụ thuộc vào số nợ bạn có. Điểm tín dụng thấp đồng nghĩa với vài chục triệu khác biệt khi bạn vay mua nhà, xe hơi, du lịch. Muốn giàu có? Mơ đi.
  • Nợ sẽ giết bạn về tinh thần: Bạn trở thành một con người dễ trầm cảm, nơm nớp lo sợ, mất uy tín. Những người mang nợ thường mang luôn cả một mặc cảm tâm lý, và họ không tự giáo dục chính mình để ngừng cơn điên loạn hét vang trong đầu.

May mắn thay, nợ là thứ có thể quản lý được với kế hoạch và kỷ luật. Đừng chờ đến ngày bạn trúng số độc đắc hay gặp thời để bắt đầu nghĩ đến chuyện thanh toán nợ. Khi bạn đang nợ tiền, quản lý tài chính cần ở thứ tự ưu tiên hàng đầu.

Chủ nợ không phải quỷ sử đến từ địa ngục. Mang danh những “con cá mập”, nhưng họ là người giúp đỡ bạn vượt qua thời điểm khó khăn tài chính trong đời. Ngân hàng và xã hội đen khó khăn hơn khi luôn có nhiều chiêu để khiến bạn phải trả nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng nếu biết luật, bạn có thể trả nợ một cách đẹp và song phẳng.

Cho nên trốn nợ là điều rất dở hơi. Tắt máy điện thoại, chuồn đi, đều là những hành vi ứng xử cấp thấp. Sự thiếu giao tiếp giữa bạn và chủ nợ khiến bạn thêm rắc rối không chỉ về mặt tài chính. Bạn trở thành một con người hèn nhát, vô ơn, thất hứa. Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc. Điều này không sai.

Vậy là tất cả chúng ta đều mang nợ. Và kiến thức tài chính của chúng ta yếu kém đến mức không có một phương pháp cụ thể để trả nợ.

Dưới đây là 5 bước để bạn gạt nợ ra khỏi cuộc sống của mình:

1. Tính xem bạn nợ bao nhiêu

Như Peter Drucker nói về quy tắc quản trị: “những gì bạn cân đo đong đếm được, bạn sẽ cải thiện được”. Nếu không biết chính xác mình đang nợ bao nhiêu, bạn sẽ không cải thiện được tình hình tài chính của mình. Một người không có kế hoạch trả nợ là con mồi hoàn hảo trong mắt ngân hàng và xã hội đen: mỗi tháng bạn đang nhét tiền vào miệng họ.

Sự thật sẽ khủng khiếp, sẽ phũ phàng, sẽ khiến bạn chỉ muốn chết ngay lập tức. Nhưng đối diện với sự thật bao giờ cũng đáng hơn là bỏ chạy.

Bước đầu tiên này rất dễ dàng. Chỉ cần nhấc điện thoại lên gọi và để chủ nợ giúp bạn một tay:

Tên chủ nợ Tổng số tiền nợ Tiền lãi (APR) Số tiền phải trả tối thiểu hằng tháng
Thẻ tín dụng 10,000,000 14% 300,000
Nhà Cửa 4,000,000,000 10% 10,000,000
Xe Hơi 500,000,000 15% 5,000,000
Đại Học 20,000,000 5% 500,000

2.  Quyết định nên trả gì trước

Quy tắc thứ hai của quản trị là phải phân cấp. Không phải mọi khoản nợ đều có mức độ ưu tiên giống nhau. Mỗi chủ nợ có mức lãi suất riêng khiến bạn phải quyết định xem nên thanh trừ ai trước.

Có hai phương pháp cơ bản để trả nợ. Hòn Tuyết Lăn thiên về tâm lý, mà tâm lý có thể là cái khiến bạn vướng nợ ngay từ đầu. Phương pháp chuẩn hiệu quả hơn cho những ai mạnh mẽ. Hãy dành 5 phút để quyết định và bắt tay trả nợ ngay.

Phương Pháp Hòn Tuyết Lăn: khoản nợ thấp nhất trước Phương Pháp Chuẩn: trả lãi cao nhất trước
Cách thực hiện Trả mức tối thiểu trên mọi tài khoản nợ, nhưng trả nhiều hơn cho tài khoản có tổng số tiền nợ còn lại thấp nhất. Khi bạn thanh toán hết một tài khoản, lặp lại với tài khoản có khoản nợ thấp kế tiếp Trả mức tối thiểu trên mọi tài khoản nợ, nhưng trả nhiều hơn cho tài khoản có tiền lãi cao nhất. Khi bạn thanh toán hết một tài khoản, lặp lại với tài khoản có khoảng tiền lãi cao nhất kế tiếp.
Độ hiệu quả Cách này mang tính tâm lý nhiều hơn. Khi bạn hoàn thành một nhiệm vụ đầu tiên, bạn sẽ có động lực để thanh toán khoảng nợ kế. Cách này mang tính tính toán. Bạn thanh trừ tài khoản nợ đang hút máu bạn nhiều nhất trước.

3. Thương thuyết tiền lãi

Bạn có 50/50 cơ hội với cách này. Nếu bạn chỉ mất vài phút để có thể giảm được vài triệu, rất đáng thử. Xã hội đen thì tình cảm hơn nhưng bạn là nô lệ chứ không phải thượng đế trong mắt họ. Ngân hàng thì cứng nhắc hơn nhưng bạn có thể hù dọa họ dược.

Mẫu đối thoại:

Bạn: Xin chào, tôi sẽ thanh toán nợ tín dụng nhiều hơn trong tuần đến và muốn hạ mức lãi suất thấp hơn.

Tiếp Tân X: Vì sao ạ?

Bạn: Tôi muốn thanh toán nợ nhanh hơn. Những thẻ tín dụng của ngân hàng khác đang cho mức lãi chỉ bằng một nửa mức lãi bên em. Em có thể hạ cho tôi 50% hay 60%?

Tiếp Tân X: Anh vui lòng giữ máy để em kiểm tra…Em rất tiếc không thể thực hiện được điều này.

Bạn: Em kiểm tra lại với quản lý hộ anh. Những công ty khác đang cho tôi miễn phí thường niên, nhiều phần khuyến mãi hấp dẫn, cũng như APR chỉ bằng một nửa bên em. Tôi đã là khách hàng được X năm rồi, và tôi rất tiếc phải đóng tài khoản tại bên em. Em có thể hạ mức lãi ngang với các ngân hàng khác, hay thấp hơn nữa?

Tiếp Tân X: Anh vui lòng giữ máy… Trong trường hợp của anh, bên em có thể giảm mức APR xuống còn…

Bạn có thể thử. Nếu thẻ tín dụng của bạn là loại thẻ tồi (xem bài cách chọn thẻ tín dụng), thì cũng là lúc nên đóng và tìm một thẻ tốt hơn.

Nếu bạn thấy mình khó lòng trả nợ trong khoảng thời gian hợp lý, đây là điều bạn PHẢI làm điều này: gọi điện thoại. Chủ nợ (ngân hàng, cha mẹ, bạn bè, xã hội đen) của bạn đã quá quen với những câu như “Tháng này tôi không trả tiền được/đang nghèo/vợ mới sanh/thất nghiệp/có việc gấp cần tiền, xin khất/xin thương tình”. Đừng làm chị Dậu, bạn sẽ không muốn nói những câu cảm tính như thế.

Hãy nói như thế này:

  • Nếu tôi trả thêm mỗi tháng 1.000.000VNĐ thì sao?
  • Nếu tôi thay đổi thời hạn trả từ 1 năm lên 5 năm thì sao?
  • Nếu tôi thanh toán hết một lần thì ưu đãi lãi suất như thế nào?
  • Nếu tôi đang rất kẹt và không trả được trong 3 tháng đến thì sao?

Chủ nợ của bạn luôn có câu trả lời. Khi bạn chân thành, họ sẽ giúp bạn cơ cấu lại khoản nợ. Chỉ một cú điện thoại có thể giảm bớt tiết kiệm vài chục triệu. Đó cũng là phần thưởng cho sự thẳng thắn.

4. Quyết định tiền trả nợ đến từ đâu

Tiền trả nợ của bạn có thể đến từ ba nguồn chính: thu nhập, chi tiêu và khoản tiết kiệm đầu tư.

  • Thu nhập: Tương ứng với mỗi 1.000.000VNĐ bạn kiếm được, bạn sẽ dành bao nhiêu % để trả nợ? Bạn phải làm thêm nhiều hơn để kiếm tiền trả nợ, đánh đổi chất lượng cuộc sống lấy chi phí cuộc sống. Đối với nhiều người, việc kiếm thêm một triệu một tháng không phải là dễ dàng.
  • Chi tiêu: Bạn sẽ ngạc nhiên không biết mình thường chi tiêu phung phí đến mức nào, cho đến khi nhìn lại hóa đơn những buổi nhậu nhẹt café club hay các quần áo handmade dễ thương lỉn kỉn. Nhiều người không nhận ra những thứ họ muốn sở hữu là một gánh nặng về tài chính, không gian, tinh thần.
  • Tiết kiệm đầu tư: Đây là lúc mà bạn cảm thấy nợ đang cứa vào tim mình. Các khoản đầu tư cho học vấn, đám cưới, nuôi con, du lịch đều cần bị cắt rút tàn nhẫn. Có nợ nghĩa là bạn phải từ bỏ những lựa chọn tốt hơn: chịu đựng công việc bạn ghét vì nó giúp bạn sinh tồn.

Khi nắm tiền trong tay, con người thường mua sắm linh tinh các phiếu giảm giá, áo quần lỉn kỉn, hay những món đồ thủ công nhỏ nhắn dễ thương. Sai lầm! Cái bạn cần ưu tiên mua là một dây đánh tan mỡ bụng. Đừng dán vào bụng! Hãy dán chặt vào đầu, cho nó rung và niệm thần chú: mình-sẽ-không-vô-cớ-mua-những-thứ-vớ-vẩn-nữa…Đây là tuyệt chiêu tiết kiệm vài chục triệu mà không có chuyên gia tài chính nào chỉ bạn 🙂

5. Trả nhiều hơn mỗi tháng và Tự động hóa

Trả nhiều hơn mỗi tháng. Mỗi tháng thêm 1.000.000VND cũng sẽ giúp bạn giảm đi vài triệu tiền lãi trong dài hạn. Ít người nhận thức được khi trả càng nhiều tiền thì số tiền lãi bạn chịu và số tóc bạc bạn có càng thấp.

Để trả nợ dễ thở và nhẹ nhàng, bạn nên tự động hóa quy trình. Qua hình thức ủy nhiệm chi, hằng tháng ngân hàng sẽ tự động rút tiền của bạn giao cho chủ nợ. Bạn cũng có thể tự động thanh toán các hóa đơn tiền điện nước thuê nhà theo cách này. Về mặt tâm lý, khi bạn không thấy tiền thì bạn không xài tiền, và bạn không cảm thấy tiếc khi tạm biệt tiền.

 

Bạn sẽ thấy tôi chỉ nêu ra những phương pháp cụ thể chứ không nói đến. Bởi vì trong trả nợ, không có tuyệt chiêu, bí mật hay phép màu “tư duy triệu phú” nào giúp bạn cả, trừ việc bạn bắt tay hành động và thay đổi tình hình.

Một khi đã tự do khỏi nợ nần, bạn có thể tập trung đầu tư cho tương lai và hưởng thụ cuộc sống.

Tái bút: Theo số liệu, một người Việt Nam trung bình đến 18 tuổi nợ đấng sinh thành khoảng 3 tỷ nuôi dưỡng. Cha mẹ là chủ nợ dễ thương nhất đời khi cho bạn vay không hoàn lại. Ý thức được điều đó, và bạn sẽ ý thức được mình nợ cha mẹ mình nhiều đến thế nào.

5 Comments

  • T says:

    Mình đã thử gọi và thương lượng với điện thoại viên về:
    – Không tính lãi phát sinh không thanh toán đúng ngày trong khi mình mới để lố vài ngày do có việc bận
    Kết quả là: không. Dù mình đã dọa sẽ đóng tài khoản, đưa các đối thủ ra hù v…v… Cho nên việc thương lượng xin hạ lãi suất thì càng bất khả thi bởi ngân hàng tại Việt Nam rất cứng nhắc trong việc xem xét thay đổi. Bởi vì họ đã có một khung đánh giá tín dụng nhất định rồi nên bạn phải xác định mình chắc chắn phải xoay sở trả nợ đúng hẹn.

    • greatsun0 says:

      Đúng vậy. Ngân hàng VN rất dở trong khoản customer service. Nhất là những ngân hàng nhà nước. Và những nhân viên cấp thấp thường không hiểu tầm nghiêm trọng của vấn đề: một ngân hàng tốn tầm 5-10tr để có một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.

      Bạn có thể yêu cầu nói chuyện với quản lý xem.

  • pham says:

    Cảm ơn anh, các bài viết thực sự rất sâu và hữu ích với mình. Chúc anh luôn thành công và hạnh phúc.

  • Anonymous says:

    Bài viết rất hay, nhưng mà áp dụng thực tế như thế nào cho ổn đây ah????

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...