Skip to main content

Công nghệ là nô lệ tốt nhưng là ông chủ tồi. Facebook/Twitter/Google+ có thể lật ngược vị trí “sử dụng – bị sử dụng” với bạn một cách tài tình.

Một mạng xã hội, thống trị tất cả? Chúa tể mạng xã hội vẫn chưa xuất hiện. Người ta sẽ sử dụng nhiều trang mạng xã hội nếu họ thấy trang này hữu ích trong việc kết nối và chia sẻ của mình. Twitter thông báo tin về sự ra đi của Whitney Houston 27 phút trước khi có cuộc họp báo. Facebook đăng ảnh người thân và kết nối với những bạn bè thời trường xưa. Google+ giúp người khác học chơi guitar qua video hangouts…

Người sử dụng, những người bình thường như tôi và bạn, đã có thể làm những chuyện phi thường nhờ sử dụng mạng xã hội thông minh: chia sẻ tình yêu cuộc sống, giới thiệu những địa điểm hay ho và đáng tin cậy hơn bất kỳ tạp chí nào khác, gây quỹ từ thiện với tốc độ của một tia chớp, tổ chức các câu lạc bộ toàn quốc… Hay trong một TED, diễn giả đã nói như sau:

Facebook, Twitter và giúp những công dân bị chế độ đàn áp ở Iran đưa những tin tức thực sự lan truyền đến tòan thế giới [….] và đã làm thay đổi bản chất của chính trị…

Mạng xã hội hay không mạng xã hội? Mạng xã hội và thức ăn rác? Đó không còn là câu hỏi.

Câu hỏi đúng là thế này: làm thế nào để sử dụng mạng xã hội hiệu quả nhất? Đâu là những cách kết nối và chia sẻ với người khác hữu ích và thân thiện hơn?

Dưới đây là 5 quy tắc giao tiếp trên mạng xã hội để bảo đảm bạn không bị sử dụng ngược:

1.Đừng Đọc Và Đăng Cùng Lúc

Đây là vấn đề xảy đến với những ai dễ dãi trong việc kết bạn/theo dõi người khác.

Bạn nảy ra một chia sẻ rất hay để đăng trên Facebook/Twitter. Sau khi đăng nhập, bạn lại để ý đến những dòng cập nhật khác từ những người bạn xa lạ trên mạng. Một dòng chảy thông tin hấp dẫn. Tò mò, bạn click “bài cũ hơn” một vài lần và xem những thứ như “Hội những kẻ dở hơi không biết bơi (nhóm)”, “Hotgirl khoe súng (ảnh)”. Trước khi bạn biết chuyện gì đang xảy ra, 30 phút đã trôi qua và bạn đã quên khuấy đi mất mình đạng định chia sẻ gì. Tệ hơn, bạn quên sạch luôn danh sách việc-cần-làm trong ngày. Tiếp tục lặp lại quá trình này = không hoàn thành gì cả = hiệu suất 0.

Đặt những dòng cập nhật mới toanh từ bạn bè làm Dashboard mặc định là một UI (User Interface – giao diện người sử dụng) thông minh. Nó nuôi sống lượng truy cập của mạng xã hội nhưng giết chết hiệu suất của bạn. Nhiều công ty đã nhận thức được cái “Lỗ Đen hyberlink” này như cách hiện đại nhất, êm ái nhất và ngọt ngào nhất để dìm một nhân viên ưu tú xuống hàng ăn mày xã hội, hay để biến một bạn trẻ năng động thành một hikikomori.

PTCNVN đề xuất tách biệt rõ ràng 2 việc: đăng cập nhật của bạn – đọc cập nhật từ người khác. Tôi thường cập nhật vào 9 giờ sáng – lúc mọi người đang đọc Facebook (thay vì làm việc), và đọc cập nhật từ bạn bè sau 8 giờ tối – lúc mọi người đã nói hết những gì hay ho trong ngày (và bắt đầu nói nhảm). TweetDeck là công cụ hữu ích để lên lịch cập nhật trạng thái của Facebook/Twitter/Google+ cùng lúc.

Đừng nói và nghe cùng 1 lúc. Bạn đã biết rồi mà, phải không?

2. Con Số Tình Bạn: 150

Thời gian của bạn dành cho mạng xã hội sẽ tăng tỷ lệ thuận theo số lượng bạn có. Nếu bạn tốn 10 phút để xem cập nhật của 100 người bạn, thì khi lên đến 1,000 người bạn khoảng thời gian này nhanh chóng tăng lên ít nhất 10 lần. 100 phút/ngày = 36500 phút/năm = 608 giờ/năm = 25 ngày/năm  = 1 kỳ nghỉ hưu mini 🙂. Sử dụng RescueTime hoặc ứng dụng bấm giờ trên điện thoại để theo dõi thời gian bạn sử dụng mạng xã hội. Bạn sẽ ngạc nhiên đấy.

Vậy bao nhiêu bạn là vừa? Trước thời Internet, nhà nhân loại học người Anh Robin Dunbar đã chỉ ra rằng bộ nhớ của chúng ta có ngưỡng giới hạn nhất định dành cho các quan hệ xã hội thật sự có ý nghĩa. Vượt ra khỏi mức này, các quan hệ trở nên lỏng lẻo và trôi nổi, đến và đi không ảnh hưởng gì mấy đến môi trường xã hội của chúng ta.

Con số của Dunbar (Dunbar’s Number) là một khoảng từ 100 đến 230 mối quan hệ, với con số tối ưu là 150. Một người chỉ có thể duy trì khoảng 150 mối quan hệ lâu bền và gắn bó. Cho nên thay vì hếch mũi vì bạn có 4,000 bè trên Facebook (nhờ kết bạn loạn xà ngầu), hãy kiêu hãnh nếu bạn giữ liên lạc được với 150 người bạn chân thành.

Một nghiên cứu đã chỉ ra số lượng bạn bè lý tưởng trên Facebook là 302. Con số này đủ để bạn không cảm thấy thảm hại hay quá lệ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, cho dù chúng ta có bao nhiêu bạn bè thì chúng ta chỉ giao tiếp với một số ít người trong số đó, theo Cameron Marlow, một nhà nghiên cứu về Facebook. Một người phụ nữ với 500 người bạn thì cô ấy chỉ thường xuyên gửi bình luận trên facebook của 26 người và thực sự giao tiếp với 16 người. Đối với nam giới, con số này là bình luận cho 17 người và giao tiếp với 10 người. – Psycology Today, dịch bởi Uyen Huynh

Hãy nghĩ về những con số, nhé.

3. Theo Dõi Thay Vì Kết Bạn

Twitter hay Facebook đều có nguyên lý sử dụng giống nhau: hãy tạo giá trị trong chia sẻ.

Twitter hay Facebook đều có nguyên lý sử dụng giống nhau: hãy tạo giá trị trong chia sẻ.

Làm thế nào để đạt được con số Dunbar? Nếu bạn đang muốn ăn kiêng mạng xã hội thì đây là lựa chọn tối ưu: Subscribe/Follow.

Hãy cho người khác quyền nhận cập nhật của bạn và cho bạn quyền không nhận cập nhật của họ. Tiêu chí không kết bạn của tôi là 3 không: không thích-không quen-không biết. Thử theo dõi trong vòng 30 ngày, người bạn mới có lịch sự gửi cho bạn một thông điệp làm quen hay có những chia sẻ thú vị trên mạng không? Nếu không, hãy nhớ đến nút Unfriend/Unsubsribe/Unfollow.

Bắt đầu lọc danh sách bạn bè của bạn theo 4 nhóm sau:

  1. Phải có: gia đình, người yêu, bạn thân, mối tình đầu 🙂
  2. Nên có: tấm gương vĩ đại, cá tính độc đáo, bộ óc thông minh, tấm lòng nhân ái, bạn thân phương xa
  3. Không cần có: người nổi tiếng không hữu ích với bạn, người lạ chỉ thích huyên thuyên về chính họ
  4. Tránh xa: người nhảm nhí thích gây sự chú ý, dân “miền đù”

Hãy chia sẻ thường xuyên với (1) và (2) và cắt giảm không thương tiếc (3) và (4). Chỉ trong 7 ngày, bạn sẽ thấy mình có thêm nhiều thời gian để làm giàu thêm tình gia đình, tình yêu và tình bạn.

Mạng xã hội là cách rất dễ để vun đắp những mối quan hệ đã có sẵn.

4. Đừng Cập Nhật Trừ Phi Giá Trị Bạn Tạo Ra Nhiều Hơn Sự Chú Ý Bạn Tiêu Thụ (Của Bạn Và Người Khác)

1. Thêm Giá Trị Nếu Bạn Tiêu Thụ Sự Chú Ý

Hãy xem 2 chia sẻ sau:

A: Hôm nay mặc quần lót màu đỏ bên ngoài áo da xanh bó sát. Hmmm…I’m sexy and I know it.

B: Hôm nay diện thời trang Super Sentai mua tại [một shop thời trang] ở Hồ Chí Minh. Xem một số mẫu Kamen Raider khác ở [www.website.com] này mọi người

(Quái dị, tôi biết, nhưng vẫn là thông tin cực hay với những ai thích cosplay.)

Cái nào hữu ích với bạn hơn? Đa số mọi người đều thích nói về bản thân mà không thèm đếm xỉa đến điều mình nói có hữu ích với người khác không.

Hãy Chú Ý trong tiếng Anh là Pay Attention. Hãy chú ý nhé, trong thời buổi ăn kiêng thông tin, sự chú ý cũng là một “dạng tài nguyên” mà bạn phải “mua” mới có được. Đừng nghĩ bạn không mất gì khi theo dõi những thông tin nông cạn trên mạng xã hội, chúng đang tiêu thụ sự chú ý quý giá của bạn mà không giúp bạn hiểu biết thêm chút nào.

Một vài cập nhật tự sướng cũng được. Nhưng hãy bảo đảm 90%+ cập nhật của bạn hữu ích hoặc giải trí cho những người kết nối với bạn. Đó là cách tốt nhất để xây dựng uy tín và được mọi người quý mến trên mạng.

2. Sử Dụng Công Cụ Theo Đúng Chức Năng Tốt Nhất Và Loại Bỏ Những Gì Còn Lại

Sử dụng công cụ đúng chức năng tốt nhất của nó. Bạn không cần biến mọi công cụ mạng xã hội thành dao mổ trâu. Nếu không bạn sẽ có một đống” bạn” đông như quân Nguyên xâm lược khoảng thời gian cá nhân của bạn những thông báo phiền phức không cần thiết.

Tôi sử dụng blog để thử ý tưởng/chiến dịch/học hỏi, tạo chất xúc tác thay đổi xã hội, và giới thiệu những khái niệm hiện đại để có thể theo dõi ảnh hưởng của những ý tưởng trong môi trường Internet.

Tôi sử dụng Facebook/Twitter để đăng những gợi ý ngắn cấp thiết, câu hỏi, sự kiện, những chia sẻ ngẫu hứng và các ý tưởng không đủ dài để làm một bài viết.

Tôi xem Facebook, Twitter như nền tảng micro-blogging (nhật ký điện tử vi mô) để lưu trữ những khoảnh khắc cảm hứng đột tử, những khám phá thú vị trên mạng, những công cụ hết xẩy, những ý tưởng nguyên khai đáng chia sẻ nhưng không đáng để viết thành một bài viết dài độc lập. Nếu các bạn đòi hỏi nhiều hơn 1-2 chia sẻ mỗi tuần từ PTCNVN, FacebookTwitter là nơi để tìm.

3. Link, Ảnh, Video Là Cơ Bản Khi Tạo Ra Giá Trị

Mạng xã hội (đặc biệt là Twitter) là cách hoàn hảo để mài giũa giá trị nghệ thuật sử dụng từ ngữ của bạn: ghi một dòng mô tả ngắn đính kèm theo link, ảnh, video dẫn đến chi tiết cụ thể cho những ai quan tâm.

Nếu bạn không có thời gian tìm link và chỉ có từ ngữ làm công cụ truyền thông duy nhất, hãy chia sẻ những câu chữ thực sự trí tuệ. Sự hài hước thông minh vẫn đáng hoan nghênh hơn những tiếng cười nhạt thếch. Tôi thích chia sẻ những bài thơ Haiku trên trang cá nhân:

Nửa đêm trời lạnh. Tôi trở dậy. Đắp thêm chăn cho nàng. @[người con gái tôi yêu]

Tôi giết một con kiến. Và thấy hai đứa con của tôi. Đang nhìn.

Sáng sớm. Tôi nhìn vào gương. Gương mặt cha tôi.

5. Hãy Tương Tác, Nhưng Đừng Sử Dụng Mạng Xã Hội Để Làm Hài Lòng Tất Cả Mọi Người

Tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác là công việc toàn thời gian mà chả có kỳ nghỉ hay phúc lợi gì. Chuyện gì sẽ xảy ra vào cái ngày bạn làm hài lòng tất cả mọi người? Không gì cả.

Hãy nhớ: Facebook/Twitter là cái bạn tự lựa chọn làm. Trừ phi bạn làm việc tại văn phòng các “ông trùm Internet” này, còn không hẳn bạn có một công việc khác hoặc những người thân khác quan trọng hơn rất nhiều. Hãy tập trung vào làm những việc lớn và thưởng thức mạng xã hội khi rỗi rãi.

Khi số thời gian một người dành cho mạng xã hội tăng dần lên, thì con người càng nghiêm túc hơn trong việc đánh giá người khác hơn trên mạng xã hội.

Xin nhắc lại: Người ta đang đánh giá bạn qua Facebook/Twitter/Google+.

Nếu bạn chia sẻ những gì hữu ích và tích cực thì nhanh thôi, bạn sẽ dành được thiện cảm của người khác. Nếu bạn nói về tình yêu cuộc sống, bạn sẽ là người người khác tìm đến khi có chuyện buồn. Nếu bạn toàn quăng bom chém gió, thì bạn là đồ cà chớn. Nếu bạn toàn danh ngôn giáo điều trong khi chưa làm được gì ra hồn, thì bạn là đồ dạy đời.

Thông tin rỗng không tốt cho ai cả.

 

Trên đây là 5 quy tắc để bạn sử dụng mạng xã hội một cách ý thức hơn.

Chúc bạn share, friend, link, like, tweet, circle, và post thú vị hơn và hữu ích hơn cho mọi người.

10 Comments

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...