Skip to main content

Chia tay là một học phần bắt buộc để ta có được tấm bằng tình yêu.  Vì rất đơn giản là, tôi chưa từng được gặp một người nào mà từ bé đến lớn chỉ quen một người, chỉ yêu một người, rồi sống với người ấy đến đầu bạc răng long!

– Chị Trang Hạ

Có thể sau khi học nghệ thuật tán rỉnh (The Game, Rules of the Game), bạn trở nên hấp dẫn và dễ dàng quyến rũ những mối quan hệ mới. Có thể sau giai đoạn bối rối “đi không đặng, ở chẳng đừng”, bạn đã quyết định sẽ chấm dứt mối quan hệ và cho mình những cơ hội mới.

Nhưng bạn chưa bao giờ học cách rời khỏi một mối quan hệ một cách chỉn chu. Không, một cuộc tình đổ vỡ còn dữ dội hơn cơn bão lụt miền Trung, còn để lại nhiều vết xước tâm hồn hơn những vết cào lúc ân ái. Kết quả là lượng thời gian để bạn mệt mỏi chia tay, ly hôn, hay nghỉ việc có khi còn dài hơn thời gian bạn tận hưởng tán tỉnh, sống chung, ở chung với người.

Tệ hơn, chúng ta làm tổn thương lẫn nhau rồi làm tổn thương chính mình. Chúng ta buông rác thải vào những ký ức đẹp đẽ, đạp đổ hết mọi điều tốt lành, kéo lê người mình từng yêu thương qua vũng bùn để vĩnh viễn đánh mất đi một người hiếm hoi có ý nghĩa trong cuộc đời mình.

Qua phép thử và sai (hầu hết là sai), tôi học được rằng có một và chỉ một cách để chia tay. Cách này không có nghĩa rằng bạn sẽ vượt qua mà không có nước mắt và nỗi đau, nhưng cách này bảo đảm những đêm khắc khỏi đầm đìa nước mắt được giảm đến mức tối thiểu. Đừng sợ bị tổn thương, bởi bạn sẽ bị tổn thương.

Một phương pháp liều lượng hiệu quả tối thiểu (MED) dành cho việc chia tay.

*Bài viết này dành tặng những người tình cũ của tôi. Anh chỉ muốn điều tốt đẹp nhất cho em, người yêu dấu.

Bước 01: Quyết Định

Con người thường chần chừ do dự nhu nhược về kết thúc một mối quan hệ. Bạn nghĩ bạn muốn chia tay, nhưng ngay khi vừa có đôi chút khoảng cách hay vài sự kiện xui rủi hay một cuộc hẹn hò mới thất bại, bạn hoảng hốt, lo lắng rằng mình đã phạm sai lầm, và lại quay lại với nhau. Chuyện này có thể kéo dài nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm ròng rã.

Đầu tiên và trước hết, hãy quyết định rằng đây là điều bạn thực sự muốn làm. Từ “Quyết Định” có nghĩa là xét đoán không thay đổi. Bạn sẽ chia tay khi bạn tự nhủ: “Đủ quá rồi! Không bao giờ nữa! Mình sẽ không cho phép người khác đối xử với mình một cách thiếu tôn trọng như thế nữa!”. Chắc chắn rằng con người này đã trở nên sai lầm dành cho bạn, người này không có khả năng xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với bạn. Bạn sẽ biết ơn quyết định hôm nay khi tìm được một người mới biết trân trọng những giá trị của bạn.

Để chắc chắn đi hay ở, xem chi tiết phương pháp chẩn đoán Đi Chẳng Đặng, Ở Chẳng Đừng.

Bước 02: Giao Tiếp Trực Tiếp Mặt-Đối-Mặt

Những việc quan trọng cần giao tiếp mặt đối mặt. Đừng gửi một tin nhắn hay email chia tay sắt đá, lạnh cả người. Đừng gào thét qua điện thoại lời “tạm biệt” cụt ngủn. Hãy gặp nhau một lần để thẳng thắn nói hết lòng mình ra. Mặt-đối-mặt là hình thức giao tiếp giàu có nhất và phong phú nhất vì huy động tất cả giác quan vào cuộc đối thoại. Cuộc gặp gỡ sẽ giúp bạn xóa tan mọi hiểu lầm mà ít ra còn thanh thản tạm biệt nhau.

Liệt kê những phẩm chất tốt đẹp của họ trước. Không phải vì bạn cần đề cao cái tôi của họ, mà để người có thời gian chuẩn bị tâm lý. Cho dù những gì đến sau chữ “nhưng” đó không quá bất ngờ với họ (có thể người cũng muốn chia tay), nhưng cái tôi chúng ta thường cao đến mức người nói ra trước thường cảm thấy dễ chịu hơn. Trở thành người bị bỏ rơi giống như vô tình uống phải một ly cafe không đường không kem: chếch choáng, đắng nghét và không có dư vị ngọt ngào nào cả (ít ra là thời gian ban đầu).

Hãy trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ người một cách dịu dàng và thành thật nhất có thể. Bạn vẫn là một người đàn ông/phụ nữ mạnh mẽ dù bạn có rơi nước mắt trong quá trình.

Và tùy bạn, mà bạn có thể hoặc không làm tình “chỉ một lần cuối”.

Bước 03: Cho Nhau Khoảng Lặng

Hãy nói với người-mới-trở-thành-người-yêu-cũ của bạn rằng mình sẽ không thể gặp nhau sau ngày hôm nay, nhưng bạn sẽ sẵn sàng nghe điện thoại hoặc nhận tin nhắn bất kỳ khi nào người muốn gọi để dốc cho hết mọi thắc mắc hoặc thậm chí gào thét trách cứ trong những tuần tới.

Nếu bạn đang sống chung với người, bạn cần cho người một tháng để di chuyển ra hoặc tìm chỗ ở mới. Nếu một trong hai có thể tránh không về nhà thì mọi thứ sẽ dễ thở hơn.

Trong suốt khoảng thời gian đầy những nốt trầm này, bạn nên tránh tung tăng hẹn hò. Làm vậy thật không tử tế. Bạn đã chờ được lâu như thế rồi, bạn có thể chờ thêm một hai tuần nữa, phải không.

Bước 04: Kết Thúc Giao Tiếp

Từ tốn giải thích với người rằng sau khi 2 tuần khoảng lặng kết thúc, thì luật không-liên-lạc-nhau sẽ chính thức có hiệu lực cho đến khi cả hai đã hoàn toàn vượt qua chuyện cũ. Cho dù sau đó người có liên lạc, dù việc này cũng rất khó khăn với bạn, nhưng bạn sẽ không hồi âm để cả bạn lẫn người có thể tiếp tục bước tiếp trên con đường tìm kiếm một nửa đích thực.

Mỗi tin nhắn, mỗi cuộc gọi sẽ như một thanh nam châm kéo bạn về hoài niệm. Càng tiếp xúc, bạn càng khó khăn hơn để quên đi nỗi đau. Càng tiếp xúc, bạn càng ngăn chặn cả hai tìm kiếm những cơ hội mối quan hệ mới. Hãy nhớ rằng mỗi lần liên lạc với tình cũ trong nỗi thống khổ quặn thắt từ cuộc chia tay, là một lần chiếc kim trên đồng hồ đo thời gian phục hồi của người (và bạn) lại quay về vị trí khởi đầu.

Bước 5: Đừng Khổ Dâm Tâm Lý

Bạn muốn người ra đi. Nhưng khi người thực sự ra đi rồi – tức hết cảm xúc mãnh liệt dành cho bạn – lúc đó bạn mới ngấm được nỗi đau nhức nhối của sự mất mát khắc khoải. Đây là lúc con người trở nên yếu đuối, bắt đầu ám ảnh về người mình đã chia tay, và cố gắng dành lại người. Thú vị là đàn ông thường làm điều này nhiều hơn phụ nữ vì tiềm thức sợ hãi mất đi tình yêu thương của mẹ khi còn bé, và vì bản chất thợ săn thích chinh phục. Nếu bạn yêu ai đó, hãy để người ấy được tự do.

Thêm nữa, bạn không chỉ không được phép giao tiếp trực tiếp với người, nhưng giao tiếp thụ động cũng là điều cấm kỵ. Sẽ thật ngốc khi xem hồ sơ Facebook/Twitter/Blog của một người đã không còn có mình trong tâm trí, rồi tự mình dằn vặt trong đau khổ trong khi người vui vẻ với cuộc sống mới. Nỗi đau sẽ bớt đi rất nhiều khi cả hai không biết người kia đang làm gì. Xa mặt cách lòng, xa mạng xã hội cạch nỗi ám ảnh.

Đừng làm một kẻ khổ dâm tâm lý.

Bước 6: Ý Thức Về Quá Trình Đau Khổ

Theo mô hình nỗi đau khổ của Kubler-Ross, một người khi đối mặt với nỗi mất mát lớn trong đời sẽ trải qua các giai đoạn tâm lý sau:

  1. Phủ Nhận: Người bị bỏ rơi không thể thừa nhận rằng mối quan hệ đã kết thúc rồi. Họ sẽ tiếp tục liên lạc người cũ ngay cả khi người đó muốn được ở một mình. Phủ nhận là một cơ chế tự vệ bình thường. “Mình ổn thôi, điều này không thể xảy ra với mình được”.
  2. Giận Dữ: Người bị bỏ rơi cảm thấy giận dữ vì nỗi đau người ấy đã gieo rắc vào trái tim mình hoặc giận dữ với chính bản thân vì đã khiến người ra đi. Những thứ tồi tệ trong quá khứ được lôi ra khỏi thùng rác và được ném vào nhau. “Tại sao lại là mình? Thật không công bằng! Có ai để đổ lỗi đây?”
  3. Thương Lượng: Người bị bỏ rơi sẽ van xin người cũ bằng cách hứa hẹn bất kỳ thứ gì khiến mối quan hệ đổ vỡ sẽ không xảy ra nữa. Đây là khi hầu hết mọi người đều giương cờ trắng đầu hàng. Người kia thường sáng tạo ra nhiều lý do cực kỳ hợp lý (quên đồ ở chỗ bạn, mới bị mất việc, con chó nhà hàng xóm chết) để gợi chuyện với bạn. Nhưng bạn cần vững tâm và tìm cách để hai người vẫn có thể giải quyết được vấn đề mà không cần phải nói chuyện hay gặp gỡ nhau. Nhờ một người bạn cũng là một cách tử tế. “Mình vẫn có thể làm bạn chứ? Anh sẽ làm bất kỳ thứ gì để em biết mình vẫn thuộc về nhau”
  4. Trầm Cảm: Người bị bỏ rơi sẽ ngã lòng vì cuộc thương lượng không thuyết phục được người cũ ở lại. Cơn trầm cảm kéo đến như một sát thủ thầm lặng, hủy hoại những chức năng cuộc sống thường nhật như ăn, ngủ, làm việc. Trầm cảm là một quá trình tự nhiên và bắt buộc phải có trước khi họ bắt đầu sẵn sàng để nhìn thấy cầu vồng. “Mình không thiết tha gì nữa, mình vẫn nhớ nàng, tại sao phải tiếp tục yêu ai khác?”
  5. Chấp Nhận: Người bị bỏ rơi cuối cùng cũng chấp nhận mối quan hệ đã kết thúc rồi và bắt đầu tiếp tục sống. Thực tế đập vào đầu, họ giật mình tỉnh giấc, có thể chưa tỉnh táo hẳn nhưng họ đã quá mệt mỏi của việc quay lại cảm giác cũ. Lúc này, bạn sẽ thấy sự cô đơn sau cuộc tình cũng không phải cảm giác gì ghê gớm lắm, nó giống như sự tĩnh lặng của cây sồi sau khi đàn chim sẻ đã bay đi mất. Bạn sẽ thấy mình thanh thản, và sẵn sàng cho những tình yêu tiềm năng mới đang chờ mình ở con đường phía trước. “Mọi chuyện rồi cũng ổn thôi. Bây giờ mình không thể làm gì được ngoài chấp nhận chuyện đã rồi và bước tiếp.”

Bước 07: Bước Tiếp

Không phải tất cả mọi người đều có khả năng hoặc muốn làm bạn với người yêu cũ. Mất đi một người từng rất hiểu và quan tâm cho mình là điều đáng tiếc. Vậy khi nào là phù hợp để liên lạc lại với người ấy khi bạn thực sự muốn làm bạn?

Có thể là khi cả hai đều có cuộc tình mới. Có thể là mất một nửa thời gian so với thời gian hai người hẹn hò để vượt qua. Nhưng thời điểm phù hợp chỉ đơn giản là khi cả hai thôi nghĩ về việc “khi nào thì mới làm bạn với nhau được?”. Thời điểm phù hợp là khi cả hai đều không có bất kỳ điều gì họ cần, muốn, hoặc mong chờ về mặt tinh thần ở người kia. Cả hai thôi làm “một nửa” dựa dẫm nhau và lại trở thành những cá thể độc lập tự chủ.

Và rồi, lần đầu tiên sau cuộc chia tay, khi tình bạn thực sự nảy nở lại sau bao cơn mưa nước mắt và những khao khát cằn cỗi, cả hai có thể chân thành chấp nhận trách nhiệm cho những gì đã sai trong mối quan hệ, thành thật mong người mình từng yêu được hạnh phúc, thay vì đổ lỗi oán trách nhau.

Mẫu Đối Thoại

Nói lời chia tay đúng cách không dễ dàng. Khi bạn không thể biểu lộ cảm xúc, hãy sử dụng mẫu sau như cứu cánh cuối cùng. Nếu bạn muốn thêm thắt dấu ấn cá nhân, thì hãy nhớ quy tắc sau: giảm lòng oán giận – thêm tình yêu thương:

Gửi người yêu dấu,

Anh đã nghĩ nhiều về mối quan hệ của mình trong thời gian qua, anh tin mình nên chia tay.

Em là một người phụ nữ tuyệt vời. Em dịu dàng, tử tế, thông minh, giỏi giang, xinh đẹp. Em làm anh muốn trở thành một người đàn ông tốt hơn. Nhưng… anh biết mình không phải một nửa dành cho nhau.

Hôm nay gặp nhau, anh muốn trả lời mọi điều em thắc mắc để mình có thể mỉm cười tạm biệt nhau.

Sau hôm nay, mình sẽ không gặp nhau nữa. Anh vẫn sẵn sàng nghe điện thoại, hồi âm tin nhắn trong hai tuần đến. Em có thể gọi điện để hỏi hoặc trách mắng anh nếu muốn.

Dù việc này cũng không hề dễ dàng cho anh, nhưng anh sẽ không hồi âm tin nhắn hay điện thoại từ em sau khoảng thời gian đó. Anh không muốn ngăn chặn cơ hội cho em và anh tìm được một nửa đích thực của đời mình.

Từ tận sau trong đáy lòng, anh mong em hạnh phúc. Chúng ta sẽ sống tiếp cuộc đời còn lại, chỉ là không ở bên nhau. Và cuộc sống vẫn tiếp diễn dù mình có hay có nhau hay không.

Tạm biệt em.

Người đã từng yêu dấu.

Cách này hiệu quả vì:

  • Bạn chắc chắn về điều bạn muốn. Dù đau khổ, nhưng người vẫn tôn trọng bạn hơn cách nói ấm úng nửa vời. Không có sự do dự của “em nghĩ sao nếu mình chia tay?”, “nếu một ngày anh không còn ở bên em thì sao?”, không có sự ích kỷ của “anh muốn chia tay”.
  • Bạn chân thành bày tỏ những điều tử tế bạn cảm nhận về người để giúp người ý thức hơn về bản thân, điều đó luôn dễ thương và an ủi.
  • Bạn cho người biết rõ về mục đích cuộc gặp mặt, luật chia tay và những gì xảy đến kế tiếp, mọi thứ sẽ kết thúc và không nên kỳ vọng gì nữa. Bạn biết người sẽ đau khổ và bạn sẽ hỗ trợ tinh thần cho người trong một khoảng thời gian.
  • Bạn thành thật cho người biết bạn cũng đau khổ nhưng đây là điều cần phải làm. Bạn đau khổ chứng tỏ người ấy cũng quan trọng với bạn, nhưng hạnh phúc dài lâu của cả hai là quan trọng hơn cả.

Sau Một Cuộc Tình…

Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn biết mấy nếu chúng ta có thể chọn được người để yêu, nhưng bớt kỳ diệu đi.

Sau một cuộc tình thường là những cảm xúc rất phức tạp. Giữa hai người luôn có những chuyện chỉ hai người mới hiểu.

Không chỉ có đám cưới hay sống đến đầu bạc răng long như trong phim ảnh mới là kết thúc đẹp, mà một cuộc chia tay cũng giống như cơn mưa bão trước khi cầu vồng đến. Một kết thúc đẹp là vì sau cuộc chia tay, bạn vượt qua được nỗi đau nhất thời và đạt được hạnh phúc dài lâu.

Bạn đã từng yêu và từng hạnh phúc. Học cách chia tay bình yên và tôn trọng nhau chứng tỏ rằng bạn đã trưởng thành về lý trí và cảm xúc. Học cách chia tay bình yên cũng là cách để trao cho hai người từng rất hiểu và thương nhau cơ hội có nhau trong đời, dưới vai trò khác.

Và hãy vui sống lên, vì bạn đang có và còn sẽ gặp rất nhiều người để yêu thương trong cuộc đời.

*Phương pháp này áp dụng cho cả việc rời khỏi một tổ chức, một công việc một cách êm thấm mà không có quá nhiều gạch đá, cà chua và trứng thối.

11 Comments

  • Nguyễn Thị Sang says:

    Cảm ơn bài viết của bạn. Mình cũng muốn gặp người đó 1 lần để nói lời chia tay nhưng người ta bảo không muốn gặp, chấm dứt thì chấm dứt ngay lúc này luôn chứ không muốn gặp thêm một lần nữa. Mình thấy cuộc tình của mình phũ phàng quá.

  • Hue says:

    Cho em hoi .khi em ns loi chia tay thi nguoi khia ko chiu cứ dọa sẻ tự tử có khi dọa di gây sự chăt chem ngui khac e phai lam sao

  • Yen says:

    Có con rồi nhưng muốn chia tay vì thấy người kia k còn tôn trọng mình. Có nên không ?

  • Anonymous says:

    Em đã chia tay. 7 tháng rất nhiều kỉ niệm cô ấy bỏ em vì hết thương nhưng em vẫn chờ cô ấy chỉ vì muốn bảo vệ cô ấy khỏi những ngưòi đàn ông không tốt tệ bạc với cô ấy đợi chờ có hạnh phúc không?

    • Anonymous says:

      tệ bạc hay không tốt cũng là do cô ấy chọn, cô ấy cũng đâu có yêu cầu được bảo vệ đâu. Hãy ngừng tìm lý do và quên đi tình yêu ấy đi

  • Anonymous says:

    Thế muốn làm lành với ai đó do một sự hiểu lầm lớn! người đó ko muốn tiếp xúc vs mình thì e phải nên làm gì

  • Nguyen X says:

    Sau chia tay, cứ đêm đến hay sáng tỉnh dậy là mình lại thấy đau. Đau không chỉ trong tâm hồn mà còn đau cả về thể xác, tê dại cả vùng ngực.
    Mình cô đơn lắm, cảm thấy tất cả mất hết, đầu óc trống rỗng.
    Mình biết mình cần phải có nghị lực để vượt qua nỗi đau này. Mình sẽ vẫn duy trì tập thể thao, sẽ chú ý ăn uống, tập trung vào công việc.
    Mình phải cố gắng.

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...