Skip to main content

Thế giới là một cuốn sách và những ai không đi du lịch chỉ mới đọc trang đầu. ― Saint Augustine

Kể từ một năm qua, mỗi tháng tôi đều dành khoảng một tuần để nện gót giày lên những vùng đất mới (và ghi chép lại trong Nhật Ký Mặt Trời). Những điểm tôi đến chưa nhiều lắm, nhưng đó là sự thay đổi thần kỳ về tâm lý của một chàng trai suốt 20 năm chỉ quanh quẩn ở dải đất miền Trung. Càng đi nhiều, tôi càng hạnh phúc, càng ham học hỏi, càng khám phá ra những điều tuyệt vời trong thế giới mình đang sống.

Du lịch là hình ảnh thôi thúc của tự do. Đi du lịch làm cho cuộc đời vui, tâm hồn dịu ra và sạch lại. Du lịch trở thành một phương pháp phát triển cá nhân mạnh mẽ – một cách để vượt qua nỗi sợ hãi và sống hết mình với cuộc sống khi bạn khám phá và giải quyết những trải nghiệm mới trên đường.

Những năm gần đây, trào lưu du lịch bụi gia tăng lên trong các bạn trẻ. Nhưng cũng còn nhiều bạn chưa bao giờ đi được đến những nơi bạn muốn đến.

Nếu bạn từng có thôi thúc muốn đi du lịch, nếu bạn đã đi du lịch nhưng cảm thấy có gì đó thiếu sót, những bài viết về Thiết Kế Cuộc Sống trên PTCNVN sẽ giúp bạn hiện thực hóa ước mơ của mình.

Hãy bắt đầu bằng bước đầu tiên: loại bỏ tâm lý ngại du lịch trong tâm hồn bạn.

Tại sao bạn trẻ Việt Nam ít du lịch?

Theo khảo sát năm 2012 của Nielsen, 66% người Việt dùng tiền nhàn rỗi sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu để tiết kiệm trong khi 1/3 người châu Á dùng số tiền này để đi du lịch. Người Việt Nam thích tiết kiệm hơn đi du lịch.

Tại sao như vậy? Lý do thì nhiều: thiếu tiền, thiếu thời gian, không biết ngoại ngữ, sợ nguy hiểm…Nhưng đa số đều là lời biện hộ có gốc rễ từ văn hóa Việt Nam – cái vô thức tập thể truyền từ đời này sang đời khác. Nói đơn giản, nếu cha mẹ và những người xung quanh bạn ít xê dịch, bạn cũng có khả năng tự kỷ ở nhà rất cao. Tâm lý ngại du lịch đã được hình thành sẵn trong bạn.

Hiểu được nguyên nhân này, và bạn có thể cởi bỏ những xiềng xích tâm lý để tìm đến sự tự do trong du lịch.

1. Bạn ở đâu trong guồng quay phát triển kinh tế?

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh hơn sự thích ứng. Con người dường như thích ứng chưa kịp với sự phát triển thay đổi của xã hội. Đời sống nhiều biến động, đáng ngần ngại, phải đề phòng, làm ăn vất vả… Cuộc sống quá nhiều căng thẳng nên không cần đi khám phá mạo hiểm thêm kích thích mà chỉ muốn nghỉ dưỡng yên thân. Thành ra một tập quán ngồi café xổm bàn chuyện thế giới, hay tụ họp bên quán nhậu, vun vút nơi bar vũ trường. Cứ ru rú ở nơi cư trú.

Trong guồng quay phát triển của đất nước, bạn trẻ Việt Nam có vẻ già quá đỗi. Đôi ba cuộc vi vu mới chỉ là giang hồ vặt. Những chuyến công tác chỉ là do yêu cầu thấy tiện mà đi. Thiếu những người thanh niên, một cái balo trên vai chủ động đi khắp nơi. Thiếu tinh thần, hoài bão, đam mê khám phá cuộc sống thật mạnh mẽ.

2. Bạn có tâm lý từ chối khám phá thế giới?

Truyền thống nông nghiệp, nhiều năm chiến tranh, việc kiểm soát cư trú của chính quyền khiến người Việt Nam không hay di chuyển. Một đất nước dịch chuyển hộ khẩu không hề dễ dàng. Quốc tịch Việt Nam đi những nước không thuộc khu vực Đông Nam Á phải xin visa. Du lịch nước ngoài luôn là cái gì đắt đỏ xa xôi lắm, dù rằng một tour Thái Lan và Campuchia còn “ngon-bổ-rẻ” hơn một chuyến Hồ Chí Minh-Hà Nội. Mà du lịch trong nước cũng không đắt lắm, một tuần du lịch miền Trung có khi chỉ bằng một bữa nhậu tại Hồ Chí Minh. Sự thiếu di chuyển làm cho nhận thức của bạn dễ hạn hẹp và lệ thuộc vào thành kiến.

Không đi du lịch là tâm lý từ chối khám phá thế giới. Thiếu tinh thần ham hiểu biết cái thế giới mà ta đang sống, thiếu tinh thần khám phá và thử sức trẻ ở giữa thiên hạ, thiếu khao khát có được những cảm xúc thật mạnh, thật mới mẻ, thật rộng lớn. Phải có những cảm xúc ấy mới có lúc chuyển hóa thành sự thức tỉnh, sự giác ngộ, thành tinh thần liên kết những cá thể trên một diện rộng. Những năm tháng rong ruổi trên xe gắn máy khắp châu Mĩ La Tinh của Che, khắp thế giới của Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên những tượng đài tinh thần vĩ đại.

3. Bạn có yếu văn hóa?

Yếu văn hóa cũng tạo một ý thức du lịch kém. Kém cả về khám phá lẫn thưởng thức. Trong trường, các môn khoa học xã hội (địa lý học xã hội, sử học, ngôn ngữ học) được giảng dạy sơ sài và ít được quan tâm chung với các môn hệ số 1 khác. Đa số người Việt Nam đều có hiểu biết rất mơ hồ về lịch sử, địa lý, văn hóa trong nước, chưa nói đến nước ngoài. Nhiều người vẫn tự hào rằng độc lập được gìn giữ nhờ dân ta oai hùng chứ không phải lãnh thổ núi non bất lợi cho quân xâm lược. Những người lập kế hoạch phát triển hay marketing lại áp dụng một chính sách, chương trình đồng nhất cho nhiều địa phương khác biệt.

Yếu văn hóa là sự cản trở lớn về nhận thức. Như nông thôn miền Tây Nam phần sông nước mênh mông, có quan hệ nam nữ tự do bậc nhất thế giới. Người miền Trung ăn cay xé lưỡi để chống cái rét suốt 6 tháng, cái nghèo đói quen thuộc. Cái khó tính của miền Bắc bắt nguồn từ sự chuẩn mực, không buông tuồng. Khi không hiểu về văn hóa, chúng ta không mở lòng ra thưởng thức sự khác biệt, mà chỉ thích quanh quẩn trong môi trường an toàn quen thuộc.

 

Theo PTCNVN, 3 nguyên nhân trên là bức tường tâm lý kiên cố do lịch sử và văn hóa để lại. Không chọc thẳng được chúng, bạn sẽ còn dậm chân tại chỗ, hoặc nếu có đi cũng không tận hưởng được hết hành trình. Những khó khăn khác như tiền bạc, thời gian, ngoại ngữ thì ai cũng có. Nhưng một khi đã quyết chí lên đường, khó khăn lường trước chỉ càng gây hào hứng, không hề làm nhụt chí.

Bạn đã nghe tiếng tự do vẫy gọi?

11 Comments

  • Yến says:

    Tôi cũng thích đi du lịch. Nhưng với phụ nữ lại có bất lợi, đặc biệt đối với những người ốm yếu thì không thể cứ muốn là xách balo đi được.

  • Yến says:

    Tôi cũng thích đi du lịch. Nhưng với phụ nữ lại có bất lợi, đặc biệt đối với những người ốm yếu thì không thể cứ muốn là xách balo đi được.

    • greatsun0 says:

      Vậy bạn có thêm lý do để luyện tập sức khỏe.
      Phụ nữ có thể gặp một số bất lợi khi du lịch, nhưng mình đã gặp nhiều bạn nữ một balo đi khắp châu lục.

      Dường như giới tính không hẳn là lý do?

  • dương says:

    kinh tế có là 1 lí do không?

  • dương says:

    kinh tế có là 1 lí do không?

  • Moon says:

    Người ta nói không nên tiêu hết khoản tiền mà bạn kiếm được.Đi du lịch cũng tốn khá nhiều $ , vậy nếu lúc cần không có khoản tiết kiệm cũng chết dở nhỉ ? :d.Mặc dù mình rất thích khám phá những vùng đất mới :p

    • greatsun0 says:

      Đi du lịch không tốn nhiều $ như bạn nghĩ đâu, đa số chi phí tốn kém nhất là tiền vé máy bay. Biết tiết kiệm những mua sắm không cần thiết để đầu tư cho trải nghiệm du lịch là một cách rất hay.

  • Anonymous says:

    Đọc xong bài này tôi thấy có thêm động lực để lên kế hoạch cho chuyến đi du lịch các tỉnh miền nam của mình vào cuối năm. Cám ơn bạn rất nhiều.

  • Anonymous says:

    Đọc xong bài này tôi thấy có thêm động lực để lên kế hoạch cho chuyến đi du lịch các tỉnh miền nam của mình vào cuối năm. Cám ơn bạn rất nhiều.

Hỏi đáp, bình luận hoặc thắc mắc ở đây...